Tàu vũ trụ châu Âu Philae đi vào lịch sử vào ngày 12/11 khi đã hạ cánh thành công xuống bề mặt đầy băng và bụi của một sao chổi đang bay với tốc độ cao sau hành trình kéo dài 6,5 tỷ km trong vòng 10 năm.
Việc hạ cánh thành công sau hành trình dài cả thập kỷ yêu cầu độ chính xác rất cao bởi chỉ cần một lỗi nhỏ cũng có thể dẫn đến thất bại.
Theo ông Stephan Ulamec, người đứng đầu bộ phận hạ cánh, tàu vũ trụ đã hạ cánh gần như hoàn hảo với một lần bị bật lên.
“Hôm nay, chúng tôi không chỉ hạ cánh một lần. Chúng tôi thậm chí đã hạ cánh tận hai lần”, ông Ulamec phấn khích nói.
Ulamec cho biết, tàu vũ trụ Philae đã phóng móc để neo lại bề mặt sao chổi nhưng thất bại trong lần đầu. Các dữ liệu cho thấy, tàu vũ trụ đã thực hiện thêm một lần hạ cánh nữa và thành công.
Các nhà khoa học đang nỗ lực nghiên cứu dữ liệu và tìm hiểu xem lần hạ cánh thất bại liệu có ảnh hưởng tới tàu vũ trụ hay không. Hiện nay, Philae vẫn đang hoạt động và gửi dữ liệu bình thường từ bề mặt sao chổi mang tên 67P/Churyumov-Gerasimenko.
Nhóm phụ trách nhiệm vụ hạ cánh tại trung tâm điều khiển tại Darmstadt đã phải làm việc hết công suất trong 7 giờ đồng hồ căng thẳng sau khi tàu Philae rời khỏi tàu thăm dò vũ trụ Rosetta cho đến lúc Philae tiếp xúc với sao chổi đang bay trong không gian với vận tốc lên tới 66.000 km/giờ.
Trong thời gian hạ cánh, các nhà khoa học đã không thể làm bất kỳ điều gì do không thể điều khiển trực tiếp tàu vũ trụ từ khoảng cách gần 500 triệu km.
Cuối cùng, vào lúc 16h03 giờ GMT, trung tâm điều khiển đã nhận tín hiệu thông báo, tàu vũ trụ đã hạ cánh thành công.
Việc hạ cánh thành công xuống bề mặt sao chổi là thành tựu quan trọng trong nhiệm vụ kéo dài cả thập kỷ của tàu thăm dò Rosetta trong vấn đề nghiên cứu sao chổi và tìm hiểu thềm về nguồn gốc của các thiên thể.
Người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tỏ ra tự hào khi đã đạt được thành tựu này đầu tiên, trước cả NASA của Mỹ.
“Chúng tôi là những người đầu tiên làm điều này và nó sẽ đi vào lịch sử”, Tổng giám đốc ESA Jean-Jacques Dordain cho biết.
Thành tích này sẽ giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về giả thuyết cho rằng, sao chổi đã mang chất hữu cơ và nước đến Trái đất từ hàng tỷ năm trước đây.
Tàu Rosetta và tàu Philae sẽ sử dụng 21 thiết bị khác nhau để chụp ảnh 3D, phân tích thành phần hóa học, tính chất điện từ và cấu trúc của sao chổi.
Tàu Rosetta được phóng lên vũ trụ vào năm 2004 và bay vòng quanh Trái đất 3 lần, vòng quanh sao Hỏa 1 lần trước khi đuổi kịp sao chổi vào tháng 8/2014./.