14-08-2013 18:52
TaTi-'Không nhìn rõ gương mặt người, chỉ thấy tiếng gào thét và những bàn tay sờ soạng, lần mò trong đêm tối. Ngay cả khi quan hệ với em xong, người đàn ông kia đuổi em ra ngoài, không quên ném tiền vào mặt như kiểu bố thí cho kẻ đầy tớ ăn xin'.
“Xin chị đừng đưa hình em lên báo. Lỡ mẹ em nhìn thấy, chắc mẹ em không sống nổi …”. Chưa nói hết câu, Dung òa khóc nức nở. Cô gái có gương mặt bầu bĩnh, má hây hây đỏ, nồng nàn mùi sơn cước rung nhẹ đôi bờ vai mỏng manh theo từng tiếng nấc. Rất lâu sau đó, Dung mới lấy lại bình tĩnh và trải lòng về quãng đời nhiều phiền muộn cùng những năm tháng tủi nhục, nhơ nhớp dưới ngọn đèn đường, làm trò mua vui cho khách làng chơi.
Sương Dung, cô gái có cái tên rất đẹp, khiến tôi liên tưởng tới giọt sương khôi nguyên đọng trên đóa phù dung buổi sớm mai. Dung đẹp đúng như cái tên ý nghĩa, thi vị của cô. Nhưng, cuộc đời của Dung chẳng sáng sủa, tinh tươm là mấy.
Sinh ra ở bản Na Ư, Điện Biên, là người dân tộc Thái chính hiệu, nhưng so với đám bạn mang những cái tên đậm đà màu chất phác, Sương Dung được bạn bè ưu ái, chú ý ngay từ tên gọi kiều diễm. Thêm nước da trắng ngần, suối tóc đen dài, bóng mượt rủ trên đôi vai nhỏ, mới 16 - 17 tuổi, Dung đã khiến hàng chục chàng trai ngẩn ngơ “trồng cây si” trước cửa nhà.
Tính Dung hiền lành, trầm lắng như cây ban rừng, khiêm nhường, ít trò chuyện, ngại bạn bè trêu chọc nên thường bẽn lẽn trốn sau lưng mẹ trong mỗi phiên họp chợ. Dung kể, nhà chỉ có hai mẹ con. Bố Dung mất vì bạo bệnh khi cô mới chập chững biết đi, mẹ lại bị bệnh tim, đau ốm thường xuyên nên cô chỉ mong mình mau lớn, biết kiếm tiền giúp đỡ mẹ chứ chẳng thích lấy chồng, chẳng thích yêu sớm làm gì.
Ở bản Na Ư, Dung là “của hiếm” khi bước chân vào được cánh cửa đại học. Bạn bè bằng tuổi cô đều đã một nách hai con, hoặc đã theo chồng từ lâu. Chỉ có Dung được mẹ định hướng ngay từ nhỏ rằng phải học hành đến nơi đến chốn mới mong thoát khỏi nghèo hèn. Lời mẹ dặn trở thành động lực thôi thúc Dung tập trung học hành và bước chân được vào trường Đại học Thủy lợi với điểm số khá cao.
Dung kể, bước chân xuống thủ đô, không ngày nào Dung yên tâm học tập. Cứ nghĩ ở Điện Biên chỉ còn lại một mình mẹ bệnh tật, lòng dạ cô lại nôn nao không tả nổi. Dung vài lần chứng kiến mẹ đột quỵ vì bệnh tim tái phát, chỉ sợ mẹ lỡ xảy ra sơ sẩy gì thì cả đời cô hối hận.
Mẹ con Dung bàn tính rồi đi tới quyết định bán mảnh đất ở Na Ư, đìu ríu nhau xuống thủ đô sinh sống. Hà Nội thời buổi “tấc đất tấc vàng”, hai mẹ con Dung đổ toàn bộ tiền tích cóp và tiền bán nhà trên Điện Biên mới đủ mua một mảnh đất nhỏ xa tít tận ngoại ô thành phố, động viên nhau khắc phục khó khăn dần dần.
Toàn bộ học phí và chi phí trang trải cuộc sống hàng ngày phụ thuộc vào quán cháo đêm vỉa hè của mẹ. Dung thương mẹ gầy ốm, cô đi xin việc nhiều nơi, nhưng nơi nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm thực tiễn. Với một cô sinh viên thì việc đòi hỏi kinh nghiệm chẳng khác nào lời từ chối khéo léo.
Một lần, Dung đang ở thư viện thì nhận được điện thoại báo tin mẹ cô phải nhập viện cấp cứu vì bệnh tim tái phát. Dung hoảng hồn chạy tới bệnh viện cũng là lúc phòng hành chính yêu cầu cô làm thủ tục nhập viện cho mẹ. Bao thứ tiền mọc ra trong khi Dung chỉ có vỏn vẹn 65.000 đồng trong túi. Vay mượn túi bụi đám bạn sinh viên nghèo, cuối cùng Dung cũng có đủ tiền làm thủ tục nhập viện.
Thấy Dung có nhan sắc, một cô bạn cùng lớp đại học khuyên Dung nên tận dụng vẻ ưu ái trời ban, không nên lãng phí tuổi thanh xuân trong nghèo khó. Hình ảnh của mẹ nhợt nhạt, yếu ớt trong bệnh viện sực nồng mùi thuốc sát trùng hiện ra trước mặt, Dung gật đầu đồng ý gia nhập đường dây gái gọi sinh viên của cô bạn “cáo già”.
Khi nghe người bạn kia ngã giá với khách qua điện thoại, Dung bần thần ngẫm về bi kịch của mình. Cái màng trinh đáng giá ngàn vàng ấy được đem ra cân đo, đong đếm, ngã giá như con cá, mớ rau. Dung khóc. Vị khách kia đang cần “giải đen” sau phi vụ làm ăn đổ bể và gái trinh trở thành món hàng ưa chuộng của ông ta. Lành nghề trong việc môi giới, người bạn kia đã móc nối với Dung đúng lúc cô đang cần tiền nhất.
Lần đầu tiên Dung bán dâm với giá 8 triệu đồng cho một đại gia bất động sản ngay tại quán cà phê nằm khuất trong con phố Trương Định. Nhớ lại thời khắc kinh hoàng đó, Dung bật khóc kể: “Có chết em cũng không quên được cái ngày tăm tối đó. Hôm ấy trời mưa rất to, em và cô bạn kia đi taxi tới điểm hẹn. Bước chân vào quán thấy rợn ngợp bởi màu sắc xanh đỏ của ánh đèn mờ, không nhìn rõ gương mặt người, chỉ thấy tiếng gào thét và những bàn tay sờ soạng, lần mò trong đêm tối. Ngay cả khi quan hệ với em xong, người đàn ông kia đuổi em ra ngoài, không quên “ném tiền vào mặt” như kiểu bố thí cho kẻ đầy tớ ăn xin. Cảm giác nhục nhã lắm, chị ạ. Em chỉ ước có thể chết đi ngay tức khắc”.
Gắn mác “gái gọi sinh viên”, ít nhiều có chút học thức và khách làng chơi cảm thấy “an toàn” với loại “rau sạch” này nên giá đi khách của Dung cũng cao hơn phận gái bán hoa đi lên từ rơm rạ, bùn đất. Sau hợp đồng phá trinh lần đầu 8 triệu, những lần đi khách sau của Dung khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng.
Từ một cô gái giản dị, chất phác, hồn nhiên màu sơn cước, Dung lột xác thành một người khác. Cô biết dặm phấn, tô son đẫy đà, biết vận những trang phục hở hang, mát mẻ. Thấy con gái thay đổi, mẹ Dung nhiều lần nhắc nhở, bà không hài lòng về cách ăn mặc của Dung. Không muốn làm mẹ nghĩ ngợi, Dung đối phó bằng cách khi bước chân ra khỏi nhà, cô ăn mặc rất đơn giản, đúng phong cách của một cô sinh viên ngoan ngoãn, trong túi mang theo váy áo gợi cảm để tới chỗ làm sẽ thay đổi trang phục.
Dung bảo rằng, điều khiến cô sợ nhất trên đời là làm mẹ buồn. Dung sợ nhìn mẹ khóc, sợ bệnh tật của mẹ tái phát, sợ nhìn mẹ gầy guộc đẩy hàng cháo ra vỉa hè ngồi bán. Dung định bụng sẽ làm công việc này tới kỳ thực tập rồi vĩnh viễn từ giã nó.
Nhưng, đường dây gái gọi sinh viên do cô bạn Dung môi giới bị công an phát hiện và bắt giữ. Và Dung bị bắt trong lần đang tiếp khách ở một quán bia ôm, khi trên người trễ nải manh áo mỏng. Dung bị công an quận Hoàng Mai đưa về trụ sở và yêu cầu trình diện giấy tờ tùy thân, khai báo nhân thân. Cô đã giấu giếm, không chịu khai báo địa chỉ thường trú và họ tên của mẹ.
Cô cầu xin các chú công an không liên lạc với mẹ, cô sợ mẹ sẽ xỉu ngay khi nhận tin dữ về cô con gái rượu vốn ngoan hiền trong niềm tin của mẹ. Nhưng trọng trách và phận sự của họ không cho phép dung túng cho cô che giấu sự thật. Lúc mẹ Dung chạy tới đồn, bà khóc nức nở, các chú công an phải lấy thuốc trợ tim gấp mới giúp mẹ Dung bình tĩnh lại. Bà trách bản thân bệnh tật, ốm yếu đã đẩy đưa con gái vào vòng tội lỗi.
Cánh phù dung mỏng manh ngồi trước mặt tôi không còn vẻ hồn hậu, mỏng manh như trước. Sương gió và cả nỗi mặc cảm, thỏa hiệp với bản thân đã đẩy Sương Dung sang một lối rẽ khác. Có lẽ, giờ đây, hơn lúc nào hết, Sương Dung thất vọng, hối hận vì những sai lầm của mình. Cô buộc phải bỏ ngang đại học và chôn vùi tuổi xuân sau cánh cửa trung tâm giáo dục xã hội. Hơn tất cả, Dung có lỗi với mẹ - người phụ nữ cả cuộc đời hi sinh vì con cái. Dung chỉ biết thầm khóc gọi “mẹ ơi” trong những giấc mơ buồn bã của mình.
Tưởng Cần
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương About this page ι Sitemap ι Contacts Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge |