Đăng nhập


06-08-2013 16:18

TaTi-Trong quá trình phát triển của Việt Nam đến thời điểm này, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần không thể tách rời khỏi dải đất hình chữ S. Có quá nhiều bằng chứng cho thấy Việt Nam đầy đủ chủ quyền đối với hai quần đảo này. Người Việt cũng là người đầu tiên đặt chân lên hai quần đảo này.

Người Việt cổ là những cư dân đầu tiên của quần đảo Trường Sa

 Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, dấu ấn sớm nhất ghi lại được của con người với quần đảo Trường Sa là từ khoảng năm thứ 3 trước Công nguyên. Điều này dựa trên một số phát hiện rằng những người đánh cá, đa số là cư dân từ vùng Quảng Ngãi, Khánh Hòa của Việt Nam đã đến quần đảo Trường Sa, và các đảo khác ở vùng Biển Đông để đánh cá hàng năm.  

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, đa số các tên của các đảo, đảo nhỏ và đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa cũng được những ngư dân Việt Nam đặt. Các tàu Đức đến nghiên cứu quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa năm 1883 nhưng cuối cùng đã rút lui sau khi có những phản ứng từ phía nhà Nguyễn của Việt Nam.

 Ảnh minh họa

 Trẻ con đang nô đùa trên đảo Trường Sa lớn.

Các bản đồ địa lý Việt Nam cổ ghi nhận Bãi Cát Vàng (được dùng để chỉ chung cả Hoàng Sa và Trường Sa) là lãnh thổ Việt Nam từ đầu thế kỷ 17. Trong cuốn "Phủ biên tạp lục" của Lê Quý Đôn, Hoàng Sa và Trường Sa được xác định rõ thuộc về tỉnh Quảng Ngãi (dân binh 2 đội Bắc Hải và đội Hoàng Sa đều do đội Hoàng Sa ở xã An Vĩnh huyện Bình Sơn kiêm quản). Ông miêu tả đó là nơi người ta có thể khai thác các sản phẩm biển và những đồ vật sót lại từ các vụ đắm tàu. Lê Quý Đôn viết: "Tôi đã từng thấy một đoạn công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng: năm Càn Long thứ 18 (1753), có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh tổng Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam, một ngày tháng 7 đến Vạn lý Trường Sa (tức quần đảo Trường Sa) tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán..." ( trích trong Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục. Trích từ Les archipels de Hoang Sa et de Truong Sa selon les anciens ouvrages viêtnamiens d’histoire et de geographie của Võ Long Tê, Sài Gòn, 1974, tr. 62 và Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn toàn tập, trang 119-120

Hoàng Sa là của Việt Nam

Về khoảng cách đất liền, quần đảo Hoàng Sa nằm gần Việt Nam nhất. Khoảng cách từ đảo Tri Tôn (15°47'N, 111°12'E) tới Lý Sơn hay Cù lao Ré (15°22'N, 109°07'E) là 2 độ 03 phút trên thước đo khoảng cách vĩ độ, tức chỉ có 123 hải lý.  

Nếu lại lấy toạ độ (Lý Sơn 15°23.1'N, 109°09.0'E) từ trong bản tuyên cáo đường cơ sở nội hải của Việt Nam, ngày 12/11/1982 thì khoảng cách đến bờ Cù lao Ré thu ngắn lại dưới 121 hải lý. 

Từ đảo Tri Tôn này đến Mũi Ba Làng An (Cap Batangan 15°14'N, 108°56'E) tức đất liền lục-địa Việt-Nam, khoảng cách đo được 135 hải lý.  

Trong khi đó, khoảng cách đảo gần nhất tới bờ đảo Hải Nam xa tới 140 hải lý (đảo Hoàng Sa - 16°32N, 111°36 E và Ling-sui Pt hay Leong-soi Pt - 18°22 N, 110°03 E).

 Khoảng cách từ Hoàng Sa tới đất liền lục địa Trung Hoa còn xa hơn rất nhiều, tối thiểu là 235 hải lý.

 Ảnh minh họa

 Cây bàng vuông- sự sống trên quần đảo Trường Sa.

 Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú: tên gọi An Vĩnh (dùng để gọi các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa) lấy theo tên một xã, vào thời chúa Nguyễn (Đàng Trong), thuộc huyện Bình Dương (tức huyện Bình Sơn) phủ Tư Nghĩa trấn Quảng Nam (Tư Nghĩa tức phủ Hòa Nghĩa, đến nhà Nguyễn là tỉnh Quảng Ngãi).

 Theo sách Đại Nam thực lục Tiền biên quyển 10 ghi chép về xã này như sau: "Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 100 cồn cát... chiều dài kéo dài không biết tới mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa châu... Hồi quốc sơ đầu triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ đến tháng ba cưỡi thuyền ra đảo, ba đêm thì tới nơi..."

 Đầu thế kỷ 17: Chúa Nguyễn tổ chức khai thác trên các đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải có nhiệm vụ ra đóng ở hai quần đảo, mỗi năm 8 tháng để khai thác các nguồn lợi: đánh cá, thâu lượm những tài nguyên của đảo và những hoá vật do lấy được từ những tàu đắm. Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn thì: "Phủ Quảng Ngãi huyện Bình Sơn có xã An Vĩnh ở gần biển, ngoài biển về phía Đông Bắc có nhiều cù lao, các núi linh tinh hơn 130 ngọn, cách nhau bằng biển, từ hòn này sang hòn kia phải đi một ngày hoặc vài canh thì đến. Trên núi có chỗ có suối nước ngot. Trong đảo có bãi cát vàng dài, ước hơn 30 dặm, bằng phẳng rộng lớn, nước trong suốt đáy... Các thuyền ngoại phiên bị bão thường đậu ở đảo này. Trước họ Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 suất, lấy người xã An Vĩnh sung vào, cắt phiên mỗi năm cứ tháng 2 nhân giấy sai đi, mang lương đủ ăn 6 tháng, đi bằng 5 chiếc thuyền câu nhỏ, ra biển 3 ngày 3 đêm thì đến đảo ấy. Ở đây tha hồ bắt chim bắt cá mà ăn. Đến kỳ tháng 8 thì về, vào cửa Eo, đến thành Phú Xuân để nộp…

 Họ Nguyễn đặt đội Bắc Hải, không định bao nhiêu suất, hoặc người thôn Tứ Chính ở Bình Thuận, hoặc người xã Cảnh Dương, ai tình nguyện đi thì cấp giấy sai đi, cho đi thuyền câu nhỏ ra các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên,..., cũng sai cai đội Hoàng Sa kiêm quản... Hoàng Sa gần phủ Liêm Châu đảo Hải Nam, người đi thuyền có lúc gặp thuyền cá Bắc Quốc,...".

 Lịch triều hiến chương loại chí viết: "Xã An Vĩnh, huyện Bình Dương ở gần biển. Ngoài biển, phía Đông Bắc có đảo Hoàng Sa nhiều núi linh tinh, đến hơn 130 ngọn núi. Đi từ núi chính ra biển (tức sang các đảo khác) ước trừng một vài ngày hoặc một vài trống canh. Trên núi có suối nước ngọt. Trong đảo có bãi cát vàng, dài ước 30 dặm, bằng phẳng rộng rãi... Các đời chúa Nguyễn đặt đội Hoàng Sa 70 người, người làng An Vĩnh, thay phiên nhau đi lấy hải vật. Hàng năm, cứ đến tháng 3, khi nhận được lệnh sai đi, phải đem đủ 6 tháng lương, chở 5 chiếc thuyền nhỏ ra biển, 3 ngày 3 đêm mới đến đảo... Đến tháng 8 thì đội ấy lại về, vào cửa Yêu Môn (tức cửa Thuận An) đến thành Phú Xuân, đưa nộp."

 Năm 1686: (năm Chính Hòa thứ 7) Đỗ Bá Công biên soạn Thiên Nam Tứ chí Lộ Đồ Thư trong Hồng Đức Bản Đồ hay Toản Tập An Nam Lộ trong sách Thiên Hạ Bản Đồ. Tấm bản đồ trong Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ được vẽ theo bút pháp đương thời với lời chú rất rõ ràng: “Giữa biển có một dải cát dài gọi là Bãi Cát Vàng (Hoàng Sa) dài tới 400 dặm… Họ Nguyễn mỗi năm và cuối mùa Đông đưa 18 chiếc thuyền đến đấy lấy hàng hoá, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn…”, còn bản đồ vẽ trong Toản Tập An Nam Lộ thì ghi chú rất rõ địa danh Bãi Cát Vàng trên biển khơi phía trước của những địa danh trên đất liền như các cửa biển Đại Chiêm, Sa Kỳ, Mỹ Á, phủ Quảng Nghĩa và các huyện Bình Sơn, Chương Nghĩa, Mộ Hoa.

 Năm 1753: Có 10 người lính của Đội Bắc Hải đến quần đảo Trường Sa: 8 người xuống đảo, còn 2 người thì ở lại canh thuyền. Thình lình cơn bão tới và thuyền bị trôi dạt đến cảng Thanh Lan của Trung Quốc. Chính quyền Trung Hoa cho điều tra, và khi biết các sự kiện, đã cho đưa 2 người lính Việt Nam về. Lê Quý Đôn viết: "Tôi đã từng thấy một đạo công văn của quan chính đường huyện Văn Xương Quỳnh Châu gửi cho Thuận Hóa nói rằng: năm Càn Long thứ 18 (1753), có 10 tên quân nhân xã An Vĩnh tổng Cát Liềm huyện Chương Nghĩa phủ Quảng Ngãi nước An Nam, một ngày tháng 7 đến Vạn lý Trường Sa tìm kiếm các thứ, có 8 tên lên bờ tìm kiếm, chỉ để 2 tên giữ thuyền, bị gió đứt dây thuyền, giạt vào Thanh Lan cảng, quan ở đấy xét thực, đưa trả về nguyên quán...".

 Năm 1816: Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình.

 Năm 1835: Vua Minh Mạng cho xây đền, đặt bia đá, đóng cọc, và trồng cây. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được trao nhiều nhiệm vụ hơn: khai thác, tuần tiễu, thu thuế dân trên đảo và nhiệm vụ biên phòng bảo vệ hai quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi người Pháp vào Đông Dương.

 Việt Nam liên tục tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa

 Theo sử sách còn ghi chép lại và thực tế khách quan, Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với đảo Hoàng Sa, Trường Sa dựa trên vị trí lịch sử và trên nguyên tắc thềm lục địa. Các bản đồ địa lý cổ Việt Nam ghi chép Bãi Cát Vàng để chỉ cả Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam từ đầu thế kỷ 17. 

 Trong cuốn Phủ Biên Tạp Lục của học giả Lê Quý Đôn, Hoàng Sa và Trường Sa được định nghĩa thuộc tỉnh Quảng Ngãi.  

 Trong bộ quốc sử Đại Nam thực lục của triều Nguyễn có ghi chép từ năm 1711 chúa Nguyễn Phúc Chu cho người ra đo độ dài ngắn rộng hẹp bãi cát Trường Sa. 

 Trong Đại Nam nhất thống toàn đồ, một cuốn bản đồ của Việt Nam được hoàn thành năm 1838, Trường Sa được vẽ thuộc lãnh thổ Việt Nam.

 Ảnh minh họa

 Cột mốc chủ quyền trên đảo Phan Vinh, quần đảo Trường Sa.

 Việt Nam đã từng tiến hành nhiều cuộc khảo sát địa lý và tài nguyên trên quần đảo, và kết quả của các chuyến khảo sát đó đã được ghi chép trong văn học và lịch sử Việt Nam và được xuất bản kể từ thế kỷ 17. Hơn nữa, sau một hiệp ước ký kết với triều đại nhà Nguyễn, Pháp đại diện cho các quyền lợi của Việt Nam đối với các công việc quốc tế và đã thi hành chủ quyền trên quần đảo thay cho Việt Nam. 

 Ngày 7 tháng 7 năm 1951, Trần Văn Hữu, chủ tịch phái đoàn chính phủ Quốc gia Việt Nam tới dự Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hoà bình với Nhật Bản tuyên bố rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc lãnh thổ Việt Nam. Tuyên bố này không bị bác bỏ hay bảo lưu ý kiến nào của 51 nước có mặt tại hội nghị. Sau khi Pháp rút đi, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã thi hành chủ quyền trên quần đảo. 

 Ngày 22 Tháng Tám 1956 Hải quân Việt Nam Cộng hòa tiếp thu đảo Trường Sa, thượng quốc kỳ và dựng trụ đá ghi chủ quyền. Đến ngày 22 Tháng Mười thì chính phủ Việt Nam tuyên bố Trường Sa phụ thuộc tỉnh Phước Tuy.

 Hiện nay Việt Nam giữ 21 đảo. Chúng được gộp vào thành một huyện thuộc tỉnh Khánh Hoà.

 Huyện Trường Sa được thành lập theo Quyết định số 193-HĐBT ngày 9/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam, bao gồm toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa và thuộc tỉnh Đồng Nai. Trước đó quần đảo Trường Sa thuộc huyện Long Đất, tỉnh Đồng Nai. Đến ngày 28/12/1982, huyện Trường Sa được chuyển sang tỉnh Phú Khánh. Sau khi chia tách tỉnh Phú Khánh (30/6/1989), huyện Trường Sa trực thuộc tỉnh Khánh Hòa.

 Theo Nghị định số 65/2007/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam được ban hành vào tháng 4 năm 2007, huyện Trường Sa (thuộc tỉnh Khánh Hòa) có 3 đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Trường Sa và các xã Song Tử Tây, Sinh Tồn.

 Thị trấn Trường Sa được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa lớn và các đảo, đá, bãi phụ cận. Xã Song Tử Tây được thành lập trên cơ sở đảo Song Tử Tây và các đảo, đá, bãi phụ cận. Xã Sinh Tồn được thành lập trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo, đá, bãi phụ cận.

Theo VNmedia
 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương

www.tantien.mov.mn

About this page ι Sitemap ι Contacts

Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge  

Tự tạo website với Webmienphi.vn