Sau hơn 40 năm vẫn nhớ như in về Hoàng Sa
Trước năm 1975, ông Phạm Khôi là lính địa phương quân thuộc Tiểu khu Quảng Nam. Ngày 23/12/1969, ông nhận Sự vụ lệnh của Bộ chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam biên chế vào trung đội Hoàng Sa, xuống tàu Hải quân rời cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển - đảo Hoàng Sa. Tháng 4/1970, ông rời đảo Hoàng Sa về lại đất liền.
Nhân chứng Phạm Khôi (trái) trao tặng Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ bản lược đồ Hoàng Sa do chính ông nhớ và vẽ lại (Ảnh: HC) |
Ông Phạm Khôi cho hay, nhiệm vụ chính của ông ở đảo là kiểm soát các tàu thuyền đánh cá ra vào đảo, báo cáo về sở chỉ huy ở đất liền những tin tức ở Hoàng Sa mỗi ngày và sẵn sàng hỗ trợ tàu bè khi gặp sự cố. Những lúc rảnh rỗi, ông cùng anh em trong trung đội Hoàng Sa dùng canô đi đến các đảo lân cận như đảo Cát, đảo Chim, đảo Elbe, đảo Duncan... để kiểm soát tình hình an ninh.
Mỗi khi cồn cào nỗi nhớ đất liền, ông đi tìm bắt những con ốc chân tượng, ốc hoa phơi khô cất giữ để làm quà kỷ niệm khi rời đảo về lại đất liền. Đến nay đã hơn 40 năm, ông Phạm Khôi vẫn còn lưu giữ 2 vỏ ốc hoa ông nhặt từ trên đảo để làm vật kỷ niệm về Hoàng Sa. Ông đã tặng kỷ vật này cho UBND huyện Hoàng Sa để đưa vào trưng bày tại Phòng trưng bày những tư liệu lịch sử Hoàng Sa.
Bây giờ, mặc dù tuổi đã cao nhưng nhân chứng Phạm Khôi vẫn nhớ như in địa hình, địa vật trên quần đảo Hoàng Sa. "Khi tàu cập vào cầu cảng ở Hoàng Sa (khi ông ra đảo tháng 12/1969 như đã nêu trên - PV), chúng tôi đi vào đảo bằng một đoạn đường bêtông dài khoảng 50m, sau đó đi trên con đường đắp bằng san hô. Đi một lúc, nhìn ra phía Bắc thấy một nhà thờ Công giáo chắc đã được xây dựng khá lâu, ở phía Nam đối diện nhà thờ là nhà chỉ huy. Đi khoảng vài trăm mét là đến nhà ở của chúng tôi.
Ở trước nhà của chúng tôi là một giếng nước cổ, nghe đâu do vua Gia Long cho làm. Cái giếng đó lạ lắm, nước múc lên đun nóng mới uống được, còn để nguội thì rất mặn. Nhưng uống nước giếng liên tục 3 ngày sẽ bị đau bụng, thuốc men lại không có, chỉ biết dùng đường và sữa để chữa bệnh khi đau mà thôi. Nhà của anh em khí tượng cũng ở gần đó.
Vùng đất này chỉ trồng dương liễu và cây nhàu, rất khó trồng được loại rau quả nào. Bên bãi trồng dương liễu có một cái miếu thờ tượng đồng đen, xung quanh có khoảng 25 ngôi mộ đắp bằng đất. Người trên đảo nói miếu đó rất linh thiêng. Nghe đâu năm 1968 có ông thuyền trưởng định đưa tượng đồng về chùa ở Đà Nẵng để thờ, nhưng khi thuyền chuẩn bị vào cảng thì cứ xoay vòng, không thể vào được nên ông thuyền trưởng phải đem tượng đồng trở lại miếu. Tôi ăn Tết ở ngoài đảo nên mồng Một Tết có ra miếu thắp hương...".
Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ trao tặng ông Phạm Khôi cuốn sách "Kỷ yếu Hoàng Sa" mà trong đó ông Phạm Khôi được ghi nhận là nhân chứng từng sống, công tác tại Hoàng Sa (Ảnh: HC) |
Bản lược đồ và nỗi lòng người vẽ tặng
Theo nhân chứng Phạm Khôi, do nhiệm vụ đơn vị ông lúc đó là thay phiên nhau canh gác giữ đảo nên ông rất thông thạo địa hình Hoàng Sa, nắm rất rõ địa hình, địa vật ở đây. Chính vì vậy, khi nhận thấy trong số các tư liệu, hiện vật... mà các nhân chứng cung cấp còn thiếu bản đồ của quần đảo này, ông đã dành rất nhiều thời gian tập trung nhớ và vẽ lại bản lược đồ quần đảo Hoàng Sa.
Trong đó ông ghi rõ địa điểm của từng vùng san hô, nơi trồng cây dương liễu, nơi trồng cây nhàu, nhà chỉ huy, nhà khí tượng, nhà dân, giếng nước ngọt, nhà thờ Công giáo, miếu Quan Âm, miếu thờ tượng đồng đen, khu phần mộ vô danh... và những đường đi, lối lại trên đảo. Thậm chí là những khu vực mà vào ngày Rằm hay mồng Một âm lịch, mực nước biển thấp tới mức có thể lội bộ ra khoảng 1km để bắt cá, mực, ốc...
Bản lược đồ này đã được ông Phạm Khôi trao tặng Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Đặng Công Ngữ tại buổi chính thức ra mắt cuốn "Kỷ yếu Hoàng Sa" tổ chức ở Bảo tàng Đà Nẵng hôm 9/1/2012. Đến khi UBND huyện Hoàng Sa và Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức các cuộc triển lãm "Giới thiệu các tư liệu liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa" (ngày 20/1) và "Hoàng Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử" (hôm 29/4), chúng tôi đã có dịp gặp lại nhân chứng này.
Khi được hỏi về bản lược đồ, ông cho biết, sau khi ông hiến tặng, UBND huyện Hoàng Sa có cho người mang đến tận nhà gửi ông một số tiền, gọi là tiền tác giả. "Tôi rất cám ơn sự nhiệt thành của UBND huyện Hoàng Sa nhưng thực tình tôi luôn nghĩ, tiền dù có bao nhiêu chăng nữa rồi mình tiêu cũng hết mà chẳng lưu truyền lại được gì cho con cháu" - nhân chứng Phạm Khôi nói.
Rồi ông bày tỏ: "Điều tôi mong muốn nhất là được UBND huyện Hoàng Sa hay cấp hữu quan nào đó tặng cho tôi một tờ giấy khen hay một giấy chứng nhận. Không phải để tôi làm danh làm giá gì đâu, mà để sau này khi tôi chết đi, con cháu nhìn vào đó sẽ luôn nhớ rằng Hoàng Sa là của Việt Nam, được tổ tiên ta khai phá từ xa xưa và cha ông của chúng cũng từng có đóng góp cho mảnh đất thiêng liêng này. Nên chúng phải có trách nhiệm đòi lại Hoàng Sa về cho Tổ quốc".
Chúng tôi xin chuyển những dòng tâm huyết này của ông Phạm Khôi và cũng là của nhiều nhân chứng từng sống, công tác, chiến đấu trên quần đảo Hoàng Sa đến UBND huyện Hoàng Sa và các cơ quan hữu quan xem xét.