Đăng nhập


TaTi-Lúc 9 giờ 6 phút sáng 7.5, vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng thành công vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy VEGA từ bãi phóng Kourou (Guyana thuộc Pháp).

Sáng 07/5/2013 tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Chủ dự án Vệ tinh nhỏ Việt Nam quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai (VNREDSat-1) phối hợp với Công ty Astrium thuộc Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Châu Âu (EADS) tổ chức Lễ chào mừng sự kiện phóng vệ tinh VNREDSat-1. Tham dự buổi Lễ gồm các đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành, cơ quan hữu quan của Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, đại diện Công ty Astrium,… cùng toàn thể đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm KHCNVN.

Đúng theo kế hoạch đã định, vào 9 giờ 06 phút sáng ngày 07/5/2013 (giờ Hà Nội), Vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam VNREDSat-1 đã được phóng vào vũ trụ bằng tên lửa đẩy VEGA từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp. Công ty ArianeSpace thực hiện việc phóng VNREDSat-1 cùng với hai vệ tinh khác là vệ tinh PROBA V của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu – ESA và vệ tinh ESTCube-1 của Estonia. Các hình ảnh tường thuật Chương trình Phóng vệ tinh từ Kourou được truyền trực tiếp về Lễ chào mừng tại Hà Nội.

phongvetinh2
GS. Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN phát biểu tại buổi Lễ


Tên lửa chuẩn bị phóng tại bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp.

Phát biểu tại Lễ chào mừng sự kiện phóng vệ tinh VNREDSat-1, GS. Châu Văn Minh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN nhấn mạnh đây là sự kiện khoa học công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng, mở ra bước phát triển mới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ của Việt Nam tiếp nối sau thành công của các dự án vệ tinh viễn thông Vinasat1 (2008) và Vinasat2 (2012). Dự án vệ tinh VNREDSat-1 thành công sẽ không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt khoa học công nghệ mà còn góp phần xác định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với thế giới nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác khoảng không vũ trụ vì các mục đích hòa bình phục vụ lợi ích con người nói riêng. 

Năm 2006, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” và chúng ta đã và đang đầu tư để từng bước hình thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho ứng dụng công nghệ vệ tinh như: xây dựng Trung tâm Viễn thám Quốc gia; Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; thiết kế, chế tạo và phóng các vệ tinh viễn thông Vinasat1, 2 và các vệ tinh quan sát trái đất;… 

Thay mặt Viện Hàn lâm KHCNVN, Chủ tịch Viện - GS. Châu Văn Minh trân trọng cám ơn sự chỉ đạo, ủng hộ của Đảng và Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, Ban, Ngành liên quan, đồng thời GS. Châu Văn Minh cũng chân thành cám ơn sự hợp tác chặt chẽ của các đối tác Pháp: EADS Astrium, Arianespace, TPZ trong suốt quá trình triển khai thực hiện Dự án để có được kết quả ngày hôm nay. GS. Châu Văn Minh khẳng định Viện Hàn lâm KHCNVN sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được, đúc rút kinh nghiệm, nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa, để đạt được những kết quả lớn hơn góp phần xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã nêu trong Chiến lược Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020.

vetinh41

vetinh21

vetinh51

vetinh31
Một số hình ảnh tên lửa đẩy VEGA mang vệ tinh phóng vào vũ trụ.


VNREDSat-1 tách khỏi khoang chở hàng VESPA của tên lửa đẩy VEGA

Vệ tinh VNREDSat-1 có khả năng chụp ảnh toàn cầu và có nhiệm vụ chụp ảnh toàn bộ lãnh thổ Việt nam (bao gồm cả phần trên đất liền và vùng biển) đáp ứng nhu cầu về ảnh viễn thám của các bộ ngành phục vụ công tác quan sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai và các yêu cầu khác của đất nước.

Sự kiện vệ tinh VNREDSat-1 được phóng vào qũy đạo là một điểm mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển thành công bước đầu của nền khoa học – công nghệ Việt Nam trong việc tiếp thu, làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất và là kết quả quan trọng, đáng khích lệ để thực hiện Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 137/QĐ-TTg ngày 14/6/2006.

Đôi nét về VNREDSat-1

Dự án VNREDSat-1 được xây dựng dựa trên những nghiên cứu, đánh giá về nhu cầu thực tiễn trong nước và xu hướng phát triển mới của công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát trái đất trên thế giới.

Dự án VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro bằng nguồn vay ODA ưu đãi của Chính phủ Pháp và có 64.820 triệu đồng từ nguồn vốn đối ứng của Việt Nam. Vệ tinh VNREDSat-1 được thiết kế và chế tạo bởi Công ty Astrium SAS thuộc Tập đoàn Hàng không vũ trụ quốc phòng Châu Âu (EADS) chuyên sản xuất vệ tinh của Pháp.

Dự án VNREDSat-1 là sự phối kết hợp để tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có của Hệ thống thu nhận, lưu trữ và xử lý ảnh các vệ tinh viễn thám của Bộ Tài nguyên Môi trường, nhằm tạo ra một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm xử lý phân phối dữ liệu ảnh viễn thám tại Việt Nam.

Vệ tinh VNREDSat-1 là vệ tinh quang học quan sát Trái đất, có khả năng chụp ảnh toàn bộ các khu vực trên bề mặt trái đất. Nhiệm vụ của nó là chụp ảnh ở kênh toàn sắc (PAN) và 4 kênh đa phổ (MS) với thời gian chụp lặp lại là 3 ngày. Vệ tinh có quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO), độ cao là 680 km. Độ phân giải mặt đất là 2,5m (PAN) và 10m (MS). Vệ tinh có kích thước 600mm x 570mm x 500mm và nặng khoảng 120kg. Tuổi thọ theo thiết kế là 5 năm.

 

Theo VAST

Bản tin Mặt Trời - Cung cấp tin tức thiên văn học mới nhất và phổ biến kiến thức khoa học vũ trụ !

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương

www.tantien.mov.mn

About this page ι Sitemap ι Contacts

Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge  

Tự tạo website với Webmienphi.vn