TaTi-Hiện nay, đời sống của người dân xã Kênh Giang (Chí Linh) đã đổi thay. Kênh Giang không còn là nơi biệt lập như vài năm về trước.
Nam Hải khởi sắc
Chúng tôi về Kênh Giang vào một ngày đầu tháng chạp. Con đường về xã được rải đá cấp phối khiến cho việc đi lại bớt khó khăn hơn trước rất nhiều. Sau một hồi trò chuyện, Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Tuấn đưa tôi đi dạo một vòng. So với trước đây, diện mạo Kênh Giang đã có nhiều đổi thay. Nổi bật giữa trung tâm xã là dãy nhà được sơn màu xanh lá cây khang trang, sạch sẽ. Anh Tuấn bảo, đây là Trường Mầm non mới của xã. Trong năm học vừa qua, một tổ chức của Hàn Quốc đã tài trợ 55 nghìn đô la Mỹ để xây dựng cho xã ngôi trường này. Trường rộng 150 m2, gồm 3 phòng học, 1 phòng giáo viên, 1 phòng bếp, phòng vệ sinh. Các trang thiết bị, đồ dùng học tập thiết yếu cho nhà trường cũng được trang bị đầy đủ. Nhìn vào thực đơn hằng ngày của các cháu dán ngoài phòng bếp với đầy đủ các món: thịt nạc rim đậu, cháo tôm, canh cá rau cải, canh xương khoai tây... tôi thầm nghĩ mức sống của người dân nơi đây đã khá hơn trước.
Đối diện với Trường Mầm non là Trạm Y tế xã cũng mới được đầu tư nâng cấp và vừa được tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong năm qua, Trạm Y tế xã đã khám, chữa bệnh cho hơn 1.000 lượt người, làm tốt công tác khám và điều trị ban đầu cho nhân dân.
Đi theo con đường khá dốc nhưng trải bê-tông sạch sẽ lên đỉnh đồi, chúng tôi vào thăm Trường Tiểu học xã. Tiếp chuyện chúng tôi, cô Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tâm cho biết: "Năm học 2011-2012, có 15 trong tổng số 34 học sinh của trường đạt loại khá, giỏi. Mặc dù điều kiện vật chất còn khó khăn nhưng trong năm học, nhà trường đã xây dựng được thư viện đạt chuẩn và xã đã đạt phổ cập tiểu học mức độ 1. Bây giờ phụ huynh cũng quan tâm đến việc học hành của con cái hơn trước. Năm học này trường có 2 em học sinh hoàn cảnh rất khó khăn nhưng cũng đều được bố mẹ cho đi học đầy đủ". Chỉ ra khu đất trống đằng sau trường, cô Tâm nói, khu đất đó mới được san phẳng để sắp tới xây dựng trường THCS của xã. Trong khi đang trò chuyện với cô hiệu trưởng, tôi bị cuốn hút bởi không khí sôi nổi của lớp học phòng bên cạnh. Thì ra đang là giờ toán của các em học sinh lớp 1. Tò mò nhìn vào lớp tôi thấy mặc dù chỉ có 6 học sinh và 1 cô giáo nhưng việc dạy và học vẫn rất nghiêm túc. Từ trên tầng 2 của Trường Tiểu học xã, phóng tầm mắt nhìn xung quanh, chúng tôi thấy có nhiều nhà tầng khang trang, kiên cố. Chủ tịch Tuấn cho biết, những năm gần đây, kinh tế của xã nói chung và thôn Nam Hải nói riêng đi lên là nhờ nghề vận tải thủy. Hiện nay, HTX Nam Hải có 32 phương tiện vận tải thủy. Doanh thu vận tải thủy ở Kênh Giang trong năm vừa qua đạt 4,8 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ làm nghề đánh cá trong xã thu nhập cũng khá ổn định. Anh Tuấn đưa tôi đến thăm gia đình anh Phạm Khắc Hà, một hộ vừa cập bến về làng ăn Tết. Anh Hà cho biết: "Vợ chồng tôi mới ở Cát Bà về hôm qua. Làm ăn gì thì Tết nhất là vẫn cứ phải về với ông bà và các cháu. Nói chung năm nay làm ăn cũng được. Năm tới, gia đình tôi sẽ mua chiếc thuyền to hơn và thuê thêm công nhân để tiếp tục đánh bắt xa bờ".
Tân Lập không còn xa
Do bận công việc, anhTuấn "giao" tôi lại cho ông Nguyễn Văn Sơn, cán bộ địa chính xã và cũng là người thôn Tân Lập đưa tôi sang đảo để tìm hiểu cuộc sống của bà con nơi đây. Sau khi đi qua đò Ông Muộn, chúng tôi men theo 2 cây số đường đê xã Lê Ninh (Kinh Môn) để về thôn. Đến đầu thôn, ông Sơn dừng xe lại nói: "Nếu hơn chục năm trước chú về đây, từ đây muốn vào trong thôn mỗi gia đình phải đóng 1 chiếc thuyền để qua sông. Bây giờ có con đường nhỏ này nên cũng thuận tiện hơn trước rất nhiều. Vài năm trước, Nhà nước làm dự án nắn dòng chảy sông Kinh Thầy, phù sa bồi đắp nên nhánh sông này trở thành vụng, người dân trong thôn be đập, đắp bờ để thả cá. Trước đây, người dân thôn Tân Lập quanh năm chỉ trông chờ vào mấy sào rau màu thì nay có thêm nghề nuôi thủy sản". Ra đón chúng tôi, ông Nguyễn Văn Vụ, Trưởng thôn Tân Lập hồ hởi: "Năm nay thôn tôi chỉ còn 11 hộ thuộc diện nghèo, giảm 7 hộ so với năm ngoái. Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm xây cho bờ vùng và trạm bơm nên sản xuất của bà con cũng ổn định hơn trước. Hiện nay trong thôn có gần chục hộ đào ao thả cá và nuôi cá lồng có thu nhập khá". Đi theo con đường đất quanh co, chúng tôi đến thăm nhà ông Bùi Văn Lợi, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Kênh Giang và cũng là người cao tuổi nhất thôn. Nói về những đổi thay trên thôn đảo Tân Lập này, ông Lợi phấn khởi: “So với những năm về trước, cuộc sống của người dân nơi đây đã đi lên rõ rệt. Trước đây, người dân chỉ trồng lúa một vụ bấp bênh thì nay đã làm ba vụ nên kinh tế được cải thiện rất nhiều. Nhiều gia đình có xe máy, ti-vi và Tân Lập cũng không còn trong thế cô lập. Bây giờ chúng tôi chỉ mong Nhà nước quan tâm, giúp đỡ cứng hóa hệ thống đường trong thôn để mưa, gió đi lại thuận tiện là coi như hết ý”.
Sau một ngày ngắn ngủi với Kênh Giang, tôi xin phép ra về cho kịp trời tối. Ông Sơn đưa tôi lên tận mặt đê để chỉ đường về TP Hải Dương một cách nhanh nhất. Chạy qua cánh đồng xã Lê Ninh, tôi tìm đường đến phà Mây để về TP Hải Dương. Theo hướng ông Sơn chỉ, từ Tân Lập về thành phố chỉ đúng 25 cây số. Kênh Giang bây giờ không còn xa xôi như trước.
Xã Kênh Giang (Chí Linh) vốn là một nơi khó khăn, xa xôi nhất tỉnh. Nhưng hôm nay, đời sống của người dân ở đây đã đổi thay. Kênh Giang không còn là nơi biệt lập như vài năm về trước.
|
Người gửi / điện thoại
Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương About this page ι Sitemap ι Contacts Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge |