TaTi-Từ lâu, nói đến Kinh Dịch, hầu hết các tài liệu đều cho rằng nó xuất xứ từ Trung Hoa. Thế nhưng đã có không ít học giả đã chứng minh Kinh Dịch có nguồn gốc từ Việt Nam. Có một học giả đã dày công nghiên cứu và chứng minh “Kinh Dịch là di sản sáng tạo của Việt Nam”. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với học giả Nguyễn Thiếu Dũng về việc này.
- Phóng viên: Thưa ông nhân duyên nào đưa ông đến với Kinh Dịch?
- Ông NGUYỄN THIẾU DŨNG: Khi còn học Đại học Sư phạm Huế và Đại học Văn khoa Huế, tôi đã tiếp xúc với Kinh Dịch. Một cơ duyên kỳ lạ là khi ra trường (năm 1965), tôi được vào giảng dạy tại Trường Trung học Trần Cao Vân (Tam Kỳ, nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam), ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước, một trong những lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Duy Tân (năm 1916). Trần Cao Vân lại là người đề xướng thuyết Trung Thiên Dịch lừng lẫy một thời. Vì không có tài liệu để lại, không biết Trần Cao Vân nói gì về Trung Thiên Dịch, nên tôi càng tò mò, lao vào nghiên cứu Kinh Dịch. Hai chữ “Trung Thiên” cứ ám ảnh tôi mãi. Phải mất hơn mười năm tôi mới phát hiện ra Trung Thiên Dịch (Trung Thiên Đồ).
- Lý do nào ông cho Trung Thiên Đồ là gốc rễ của Kinh Dịch?
- Muốn giải thích vấn đề này cần có thời gian, cần trưng nhiều lý chứng, ở đây tôi chỉ đơn cử một ví dụ để tạm có một khái niệm.
Phương vị các quẻ trên Trung Thiên Đồ phân bố: Càn chính Nam, Đoài Đông Nam, Tốn ở Đông, Khảm Đông Bắc, Ly chính Bắc, Cấn Tây Bắc, Chấn ở Tây, Khôn Tây Nam. Các phương vị này trùng hợp với vị trí các luân xa trên cơ thể người. Điều này cho thấy các nhà sáng tạo Dịch đã vận dụng khí công để viết Dịch. Người Trung Hoa không cảm nhận được vấn đề này nên khi giải thích quẻ Thiên hỏa Đồng Nhân họ mất phương hướng. Càn Thiên là luân xa thiên môn (huyệt Bách hội), Ly Hỏa là luân xa Hỏa xà, khi luân xa Hỏa hợp nhất với Thiên môn thì mở ra được sự hội thông với vũ trụ, tha nhân. Căn cứ vào Trung Thiên Đồ, tôi hiểu “đồng nhân vu giao” khác với cách giải truyền thống chỉ căn cứ vào phương vị Hậu Thiên Đồ.
Giao nằm ở hào thượng cửu (theo Dịch lý thuộc tài thiên), tức là ở mức độ đồng nhân cao nhất, mức độ hòa đồng siêu việt. Nếu hiểu giao như nghĩa các chữ Đông giao (ngoại ô phía đông), Nam giao (ngoại ô phía nam) thì không phù hợp với cấu trúc quẻ Dịch. Hiểu như vậy là mặc nhiên nhận giao thuộc về đất phải nằm ở hào hai, tài Địa. Cũng như quẻ Đồng Nhân, các Dịch học gia Trung Quốc cũng bị hạn chế khi hiểu quẻ Đại Hữu chỉ là sở hữu tài sản vật chất. Họ không ngờ rằng Đại Hữu là sở hữu tài sản tinh thần vĩ đại. Quẻ này chính là ghi lại thành tựu một quá trình công phu trải nghiệm của hành giả đã hợp nhất với vũ trụ, mà mỗi hào mô tả thành quả một chặng đường liên tục từ hạ đẳng công phu đến thượng đẳng công phu.
Thông qua đó có thể thấy Trung Thiên Đồ chính là “la bàn” để viết Kinh Dịch, là gốc rễ của Kinh Dịch vậy.
Bát quái dân gian
- Ông dựa vào cơ sở nào để minh chứng rằng “Kinh Dịch là di sản sáng tạo của Việt Nam”?
- Để nói rằng Kinh Dịch (phần Kinh văn) của Trung Quốc, người Hoa chỉ có một lý do “tục truyền Phục Hy chế ra Kinh Dịch” thì ngay cả lập luận này cũng không ổn vì Phục Hy là tổ của một dân tộc trong khối Bách Việt, làm sao có thể cưỡng ép nói tác phẩm đó là của Hoa tộc được?
Để nói rằng Kinh Dịch của Việt Nam, tôi lại có quá nhiều chứng lý:
1- Căn cứ vào những hoa văn trên đồ gốm Phùng Nguyên và đồ đồng Đông Sơn thì Việt Nam đã ghi khắc những quẻ Dịch trước Trung Quốc và sớm hơn chứng liệu của Trung Quốc (xin xem Nguyễn Thiếu Dũng - Phát hiện Kinh Dịch thời đại Hùng Vương - Thanhnienonline).
2- Chứng liệu của Việt Nam trực tiếp từ tượng quẻ không phải qua suy luận từ số đến tượng như Trung Quốc, như thuyết của Trương Chính Lãng. Có đầy đủ tám quẻ đơn và một số quẻ kép trên đồ đồng Đông Sơn. Những quẻ này có thể đọc thành văn bản phản ánh tư tưởng quốc gia Văn Lang (xin xem Nguyễn Thiếu Dũng - Sứ giả Văn Lang - Tạp chí Xưa và Nay số 301-302 tháng 2-2008).
3- Quẻ Dịch trên đồ Phùng Nguyên và Đông Sơn chứng tỏ hào dương vạch liền và hào âm vạch đứt của Trung Quốc là biến thể của hào dương vạch liền và hào âm vạch chấm chấm của Việt Nam. Trung Quốc đã nối các chấm âm lại thành vạch đứt để vạch cho nhanh (cải biên) (xem Nguyễn Thiếu Dũng - Chiếc gậy thần - dạng thức nguyên thủy của hào âm hào dương - Thanhnienonline).
4- Dịch là biến âm của Diệc, Khổng Tử đọc là Diệc, cùng âm với Việt. Ta có cả ba bản chứng, bản gốc của bản Trịnh Huyền, bản gốc của bản Luận Ngữ hiện hành, đó là Lỗ Luận Ngữ, Tề Luận Ngữ, Cổ Luận Ngữ, cả ba đều đồng thanh xác nhận đây là lời nói thực của Khổng Tử: “Gia ngã sổ niên, ngũ thập dĩ học Diệc, khả dĩ vô đại quá hỹ” (thêm cho ta vài năm, đến 50 tuổi để học Diệc, có thể không mắc sai lầm lớn vậy). Khổng Tử nói là Diệc chứ không nói là Dịch vì ông là người nước Lỗ nên đọc theo âm nước Lỗ. Các từ Hào, Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Khảm, Ly, Tốn, Đoài đều là âm Nôm, là từ ký âm tiếng Việt. Quách Mạt Nhược, Văn Nhất Đa, hai học giả có uy tín của Trung Quốc, cố gắng hiểu các từ đó theo tiếng Hoa nên không giải được nghĩa của chúng (Nguyễn Thiếu Dũng - Bàn về tên gọi tám quẻ cơ bản của Kinh Dịch - Dunglac.net).
5- Quan trọng nhất theo tiêu chuẩn tam tài, Trung Quốc chỉ sử dụng Tiên Thiên Đồ, Hậu Thiên Đồ mà không có Trung Thiên Đồ, một đồ cốt yếu đã được tổ tiên Việt Nam sử dụng để viết quái, hào từ Kinh Dịch cũng như phân bố vị trí các quẻ. Đồ này được tổ tiên Việt Nam giấu trong truyền thuyết, trên trống đồng nên có thể khẳng định Trung Quốc không thể nào là nơi khai sinh Kinh Dịch (Trung Quốc đã công bố hơn 4.000 Dịch đồ nhưng không có đồ nào phù hợp với Trung Thiên Đồ) (Nguyễn Thiếu Dũng - Kinh Dịch di sản sáng tạo của Việt Nam - Thanhnienonline).
6- Truyền thuyết Việt Nam một phần là những câu chuyện liên hệ với Kinh Dịch, như chuyện Con Rồng cháu Tiên là chuyện của Trung Thiên Đồ, chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh là chuyện kể lại từ những lời hào quẻ Mông. Người Trung Hoa chỉ cần thay đổi bộ thủy trong hai chữ “chất cốc” thành bộ mộc là đổi câu chuyện nói về lũ lụt thành chuyện dạy trẻ mông muội là xóa được gốc tích của Kinh. Truyền thuyết được lưu giữ chính là để bảo tồn Kinh Dịch (bài trên Anviettoancau.net của Nguyễn Thiếu Dũng).
Ông Dũng bên căn nhà cổ gần trăm năm tuổi
- Được biết, trong nhiều năm qua, ông đã từng công bố “Kinh Dịch là di sản sáng tạo của Việt Nam” ở một số báo, tạp chí, hội thảo. Phản hồi của các học giả, nhà nghiên cứu, độc giả như thế nào?
- Năm 2004, Thanhnienonline đưa vấn đề này lên mạng, lập tức đã đánh động dư luận. Nhiều người tỏ ra rất hào hứng khi có được thông tin mới. Từ đó đến nay, năm nào, tháng nào cũng có những trang web sao chép lại bài “Kinh Dịch di sản sáng tạo của Việt Nam” để giới thiệu cho nhau đọc. Cùng năm đó, tại Hội thảo Việt Nam học lần thứ hai, tôi có báo cáo vấn đề này. Rất mừng là nhiều giáo sư, học giả và một số nhà khoa học trẻ đã nồng nhiệt cổ vũ. Đó là một khích lệ rất lớn, xin chân thành cảm ơn quí vị.
Bây giờ tôi cảm thấy rất ấm áp khi đi con đường này không còn đơn độc, vì đã có rất nhiều bạn đồng hành. Ngoài giáo sư Kim Định, người mở đầu cho cao trào chứng minh Kinh Dịch của Việt Nam nay đã về nơi thiên cổ, còn có Nguyễn Xuân Quang, Nguyễn Vũ Tuấn Anh, Trần Quang Bình, Hà Văn Thùy, Nguyễn Quang Nhật, Nguyễn Việt Nho, Trúc Lâm, Hà Hưng Quốc..., mỗi người một cách chứng minh khác nhau nhưng đều đồng quy ở chỗ Kinh Dịch là sản phẩm của Việt Nam. Tôi mong có một ngày vấn đề này được chính thức thừa nhận.
- Xin cảm ơn học giả.
Học giả Nguyễn Thiếu Dũng sinh năm 1941 tại Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, nay sống tại 190 đường Trưng Nữ Vương, Đà Nẵng. Mẹ ông là chị ruột của nhà nghiên cứu văn hóa, nhà “Quảng Nam học” Nguyễn Văn Xuân. Từ thủa thiếu thời, Nguyễn Thiếu Dũng đã được cậu chỉ dạy nhiều thứ, nên sớm tiếp cận thế giới văn chương, đọc được nhiều bộ sách kinh điển của nhân loại.
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương About this page ι Sitemap ι Contacts Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge |