TaTi-Đó là những câu chuyện chưa được đề cập nhiều về vị đại tướng tài ba. Và bản thân tác giả cũng là một người lính đặc biệt...
Cuốn sách mới phát hành mang tên “Võ Nguyên Giáp” của tác giả người Pháp – Georges Boudarel không đơn thuần chỉ là những câu chuyện lịch sử về con đường quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mà ẩn giấu bên trong cuốn sách còn là những góc cạnh ít được đề cập về vị đại tướng tài ba.
Bìa cuốn sách "Võ Nguyên Giáp" của tác giả Georges Boudarel |
Chân dung vị Đại tướng khiêm nhường
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đã đưa quân và dân ta đến với chiến thắng để giành trọn vẹn độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Ông cũng là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một thiên tài quân sự, và cũng là một nhà văn hóa lớn.
Cuốn sách “Võ Nguyên Giáp” thể hiện những quan niệm và sự ngưỡng mộ của tác giả Boudarel về ông. Đối với Bouderal, Võ Nguyên Giáp là sự kế thừa có chọn lọc những tư tưởng quân sự của các nhà Cách mạng hiện đại như Lenin, Mao Trạch Đông, và các nhà chiến lược quân sự kinh điển như Clausewitz và Tôn Tử. Trên hết, đấy còn là sự vận dụng trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh, với Đảng và Chiến tranh nhân dân Việt Nam.
Võ Nguyên Giáp là một trong những học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu từ Hội sử học) |
Nhưng nói đến Võ Nguyên Giáp, không chỉ nói đến sự nghiệp lừng lẫy đã đưa tên tuổi ông trở thành một nhân vật lịch sử vĩ đại, mà còn phải kể đến cả con người, nhân cách của một bậc đại tướng trong lòng nhân dân.
Trong câu chuyện đầy xúc động của các cựu chiến binh, vị đại tướng ấy hiện lên với chân dung của một con người với cuộc sống khiêm nhường, giản dị và vẫn lưu giữ được nhiều nếp sống của một nhà giáo ngay cả khi đã ở vị trí cao trên con đường quân sự.
Đặc biệt, Võ Nguyên Giáp còn là một người luôn dành sự tôn trọng với những người đồng đội. Dù ở vị thế của một Tổng tư lệnh oai nghiêm, nhưng đối với những cựu chiến binh đã từng chiến đấu bên ông, thì Võ Nguyên Giáp luôn là một người biết dành sự tôn trọng, tiếp thu các ý kiến đóng góp của những người đồng đội quanh mình trong xây dựng chiến thuật, góp phần quan trọng dẫn đến con đường giành thắng lợi.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nhấn mạnh về sự ghi nhận công lao của những vĩ nhân như Võ Nguyên Giáp, như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó không phải sự ghi nhận của những bậc thần thánh được người đời tung hô, mà là sự ghi nhận công lao của những con người tồn tại thực, những con người bình thường với tinh thần đấu tranh và khả năng lãnh đạo tài giỏi. Và chính điều này lại khẳng định rõ hơn cho yếu tố tạo nên sự vĩ đại trong con người họ.
Những phẩm chất này cũng đều được Bourdarel khắc họa rõ nét trong cuốn sách mang tên “Võ Nguyên Giáp”, từ khi ông còn là một cậu bé 15 tuổi cho đến khi trở thành một vị tướng lĩnh tài ba.
Và người đồng đội đặc biệt...
Cuốn “Võ Nguyên Giáp” đã được hoàn thành và xuất bản bằng tiếng Pháp với tên “Giap” vào năm 1977. Tác giả cuốn sách – Georges Bouderal sinh ngày 21/12/1926 tại Saint-Estienne, Loire (Pháp). Ông được nhiều đồng đội người Việt yêu mến và gọi với cái tên thân thuộc là “Ông Bụt”.
Mặc dù là một người Pháp, nhưng Bouderal lại từng là thành viên của nhóm trí thức Mac-xit hoạt động công khai tại Sài Gòn năm 1947, và sau đó, xin ra Bắc để vào hàng ngũ Việt Minh, tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Vào những năm 1950, Bouderal làm công tác địch vận, tham gia cải tạo tù binh Pháp. Ông cũng từng là phóng viên viết cho một số tờ báo thời kỳ này.
Georges Boudarel (phải) trong thời gian làm công tác địch vận và cải tạo tù binh Pháp (ảnh: Aurelien-Veron) |
Năm 1964, ông trở về Pháp, bảo vệ luận án tiến sĩ sử học về đề tài Phan Bội Châu, sau đó làm giáo sư trường Đại học Paris VII, giảng dạy về lịch sử hiện đại Việt Nam. Cuốn sách “Võ Nguyên Giáp” chính là một phần trong luận án tiến sĩ của ông.
Georges Boudarel đã trở thành một nhà nghiên cứu về Việt Nam quan trọng và được giới học giả công nhận, với nhiều tác phẩm giá trị. Ông là một nhà nghiên cứu về đất nước, con người Việt Nam và đã có nhiều tác phẩm giá trị được xuất bản bằng tiếng Việt. Ông cũng là một dịch giả đã giới thiệu nhiều tác phẩm Việt Nam ra tiếng Pháp, như “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Đại thắng mùa xuân” của Văn Tiến Dũng...
Không giống với những người khác, Georges Boudarel không phủ nhận vai trò của mình, cũng không giấu đi quá khứ đã rời bỏ phía Pháp để theo Việt Minh. Ông nhìn nhận thẳng thắn vào lịch sử của Việt Nam mà bản thân ông có liên quan. Bouderal còn khẳng định những điều mình theo đuổi trong sự nghiệp thời chiến ấy, đấy là những gì đúng đắn.
Trong cuốn “Võ Nguyên Giáp”, tác giả có đề cập hẳn về những âm mưu hiểm độc của thực dân Pháp có ý định mua chuộc cậu học sinh trung học Võ Nguyên Giáp, nhưng kết quả đi ngược lại với mưu đồ. Những hiểu lầm về vị Đại tướng huyền thoại đã được tác giả làm rõ và tìm ra sự thật bằng những tài liệu phong phú và xác thực.
Nhắc đến Bouderal, nhà sử học Dương Trung Quốc vẫn bồi hồi khi kể về hình ảnh của Bouderal một mình sống trong ngôi nhà nhỏ ở Paris, rất khiêm nhường, mộc mạc mà ông gặp được khi tác giả người Pháp bước vào những năm tháng cuối cùng trong đời. Căn nhà có chứa rất nhiều sách và những tư liệu quý giá về lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Cùng với những tư liệu quý giá đó, phải đến thời điểm như hiện tại, cuốn sách “Võ Nguyên Giáp” của ông mới được giới sử học Pháp đánh giá là một trong những tác phẩm giá trị nhất viết về nhà quân sự lỗi lạc, nhân vật nổi bật của lịch sử hiện đại Việt Nam và thế giới thế kỷ XX.
Bản dịch tiếng Việt của cuốn sách cũng chính thức được phát hành tại Việt Nam từ ngày 12/12. Người đã đưa bản dịch thành công với độc giả trong nước chính là dịch giả Nguyễn Văn Sự. Bản thân ông Sự cũng rất tâm đắc với bản dịch cho cuốn “Giap” của Boudarel.
Mặc dù đây không phải cuốn sách đầu tiên, cũng không phải cuốn duy nhất viết về vị Đại Tướng vĩ đại của dân tộc Việt Nam, nhưng cuốn sách mới này đã khắc họa một cách đầy đủ, cô đọng, chân thực nhất chân dung của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tiết lộ được nhiều câu chuyện mà ít người còn biết đến về Tướng Giáp.
Và đối với ông Sự, bản dịch này cũng thể hiện sự trân trọng, biết ơn tới Georges Bouderal, một người bạn Pháp, một người đồng đội đặc biệt với cả dân tộc Việt Nam./.
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương About this page ι Sitemap ι Contacts Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge |