Tân Tiến Online-Đảo Ba Bình được xem là một trong những điểm nóng tại biển Đông. Tầm quan trọng của hòn đảo này cũng như những gì đang diễn ra tại đây?
Quan trọng về kinh tế, chiến lược
Trong một bài viết hồi tháng Bảy trên tạp chí uy tính Chính sách Đối ngoại – Foreign Policy, trợ lý biên tập Elias Groll đã đánh giá đảo Ba Bình là một trong 5 điểm nóng của vùng biển Đông. Đánh giá này không có gì là khó hiểu khi Ba Bình có một vị trí kinh tế và chiến lược.
Nằm tại vị trí gần như trung tâm biển Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 600 km; cách đảo Palawan khoảng 500 km và cách bãi cạn Scarborough khoảng 800 KM, đảo Ba Bình được đánh giá là một trong những điểm chiến lược.
Ông James Holmes, giáo sư tại trường Hải quân Hoa Kỳ gần đây được Asia Times online dẫn lời nói rằng “đảo Ba Bình đủ lớn để trở thành một trung tâm hậu cần”. Theo ông Holmes, nếu Trung Quốc chiếm được quyền kiểm soát đảo này, thì quân đội Trung Quốc đỡ mất nửa đường đến eo biển Malacca – eo biển nằm trên tuyến đường giao thông rất quan trọng cho tuyến đường từ châu Âu, châu Phi, Nam Á, Trung Đông đi Đông Nam Á, Đông Á. Tầm quan trọng của tuyến đường qua eo biển Malacca có thể sánh ngang với kênh đào Suez hoặc Panama. Nếu Trung Quốc kiểm soát đảo Ba Bình, thì tầm quan trọng của nó được giáo sư Holmes đánh giá là “không nhỏ”.
Với chiều dài khoảng 1 ngàn 400 m, chiều ngang gần nửa cây số, đây là đảo lớn nhất trong các đảo ở Trường Sa Ngoài việc được cho là có nguồn dầu khí dồi dào, đây cũng là nơi duy nhất có nguồn nước ngọt – là tiềm năng cho việc trồng trọt cũng như sinh hoạt hằng ngày và phát triển du lịch. Xung quanh đảo này cũng có san hô và mực nước khá ôn hòa – là điều kiện tốt cho các tàu nhỏ ra vào.
TS sử học Nguyễn Nhã nhận xét về tầm quan trọng của đảo Ba Bình:
“Bản thân biển Đông là nằm vị trí chiến lược mà những người làm chiến lược quân sự thời Pháp đã thấy. Hiện nay thì lại càng quan trọng hơn cho nên đảo lớn như Ba Bình đóng một vai trò quan trọng về mặt kinh tế cũng như chiến lược”.
Theo thông tin từ phía Việt Nam, quân Tưởng Giới Thạch đã chiếm đảo Ba Bình từ năm 1947 khi được nhiệm vụ giải giáp quân Nhật tử vĩ tuyến 16 trở ra Bắc theo hiệp định Postdam. Năm 1950, quân Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi Hoàng Sa và Trường Sa. Kể từ năm này, không có lực lượng nước ngoài nào chiếm đóng tại hai quần đảo này trừ lực lượng trú phòng Việt Nam của chính quyền Bảo Đại. Tuy nhiên, tháng 10 năm 1956, Đài Loan đã giành quyền kiểm soát đảo Ba Bình cho đến hôm nay.
Điều gì đang xảy ra trên Ba Bình
Đài Loan là một trong 3 nước có tuyên bố tranh chấp toàn phần ở Trường Sa và tất cả mọi hoạt động được cho là nhằm bảo vệ chủ quyền đều được Đài Bắc thể hiện tại hòn đảo lớn nhất ở vùng biển tranh chấp.
Việc Đài Loan chuyển quyền phòng vệ đảo từ thủy quân lục chiến sang lực lượng tuần duyên vào năm 2000 đã làm giảm đi vai trò của quân đội nước này – cũng là một cách để Đài Bắc gởi một thông điệp ôn hòa trong cách ứng xử của mình. Tuy nhiên, nước này cũng có những hoạt động quân sự mà Đài Bắc cho là cần thiết.
Thời gian gần đây, khi tình hình biển Đông đang sôi nổi, những nhà lập pháp Đài Loan kêu gọi tăng cường vai trò quân đội trong phòng vệ đảo. Hồi tháng 4, sau chuyến đi đến đảo Ba Bình, ông Lâm Úc Phương (nghị sĩ, Quốc Dân đảng) đã đề nghị tăng cường pháo cao xạ và súng cối trên đảo. Tháng 5 vừa qua, Ủy ban Quốc phòng đã thông qua dự luật yêu cẩu Bộ Quốc phòng nước này chuyển vũ khí ra đảo. Khoảng cách từ Ba Bình đến thành phố Cao Hùng khoảng 1600 km, từ lâu được xem như một giới hạn của Đài Bắc trong việc kiểm soát đảo. Tuy nhiên, cũng tháng 5 vừa qua, nước này thành lập đội không quân đặc biệt có khả năng đến đảo Ba Bình trong vài giờ.
Tin Asia News Network ngày 13/8 trích phát biểu của nghị sĩ Lâm Úc Phương nói rằng tháng 9 tới, ông cùng một số nhà lập pháp khác sẽ lại ra thị sát đảo Ba Bình.
Lực lượng tuần duyên Đài Loan hôm 12 tháng 8 vừa thông báo sẽ tập trận bắn đạn thật vào tháng tới tại hòn đảo tranh chấp mà nước này đang đặt quân phòng vệ. Đây là hành động mới nhất sau hàng loạt các bước đi mang tính quân sự trên biển Đông. Tin cho biết Đài Loan có thể tập trận với các loại vũ khí mới vừa được chuyển đến bao gồm các khẩu trọng pháo nòng 40 mm có thể bắn xa 10 km và súng cối nòng 120 mm có tầm bắn 6 km. Tất cả các loại khí tài này đều có tầm xa hơn loại Đài Loan đang triển khai trên đảo. TS Nguyễn Nhã nhận xét động thái này như sau:
“Từ khi Đài Loan dùng võ lực tiếp quản (Ba Bình) thì ít khi nước này có thể hiện như thế. Thành ra đó là một cái gì đó khác thường trong khi “biển Đông ngày càng nổi sóng”.
Từ khi Đài Loan dùng võ lực tiếp quản (Ba Bình) thì ít khi nước này có thể hiện như thế. Thành ra đó là một cái gì đó khác thường trong khi “biển Đông ngày càng nổi sóng
TS Nguyễn Nhã
Năm 2006, Đài Loan xây đường băng dài khoảng 1150 mét trước sự phản đối của Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines. Phi đạo trên đảo Ba Bình là một trong hai phi đạo duy nhất đủ dài để chứa được các loại máy bay lớn như chiếc Hercules C- 130. Có tin nói nước này có ý định kéo dài đường băng thêm 500 mét. Nếu kế hoạch này được thực hiện, chẳng những các loại máy bay C-130 có thể đáp an toàn hơn mà còn mang một ý nghĩa khác. Cây bút Michael Cole (thường trú tại Đài Loan) viết trên The Diplomat gần đây, trích lời một giới chức an ninh quốc gia giấu tên cho biết đường băng sau khi được kéo dài có thể được dùng làm căn cứ cho máy bay tuần tra trên biển P-3C “Orion” mà nước này đã đặt mua 12 chiếc cũ của Hoa Kỳ từ năm 2007.
Những diễn biến trên Ba Bình mặc dù không ồn ào nhưng ngày càng cứng rắn, quyết liệt khiến người khác phải chú ý, trong đó có TS Nguyễn Nhã:
“Tôi luôn nói rằng người Việt Nam phải luôn thức tỉnh. Năm 1956, khi Trung Quốc chiếm đảo lớn nhất là Phú Lâm ở Hoàng Sa và Đài Loan chiếm đảo lớn nhất là Ba Bình ở Trường Sa thì mọi người có vẻ nghĩ là đồng minh, đồng chí chiếm cho mình nhưng mà thực ra không phải cho mình đâu. Theo tôi người Việt Nam phải bừng tỉnh, bảo vệ những gì cha ông mình để lại. Phải thay đổi nhận thức, thái độ, hành động của người Việt trong ngoài nước”.
Những vụ đụng độ của xảy ra trên biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong hai năm trở lại đây làm cho nhiều người bỏ quên sự quan trọng của đảo Ba Bình. Biển lặng tại Ba Bình không có nghĩa tầm quan trọng của nó giảm đi. Xem ra Đài Loan luôn ý thức được mình đang làm gì.
2012-09-28
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương About this page ι Sitemap ι Contacts Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge |