Nguy cơ xảy ra xung đột trên Biển Đông đang tăng cao. Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Philippine mâu thuẫn trong những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán, nhất là quyền khai thác nguồn trữ lượng dầu khí được cho là rất dồi dào của khu vực.
Tự do hàng hải trong vùng biển cũng là vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh quyền hoạt động qua lại của các tàu quân sự Mỹ tại trong vùng đặc quyền kinh tế 200 dặm của Trung Quốc. Những căng thẳng này đang dẫn tới - và cũng chịu tác động bởi - nỗi e sợ đang lớn dần về sự gia tăng sức mạnh quân sự cũng như ý đồ của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc đã và đang triển khai mạnh mẽ hoạt động hiện đại hóa các lực lượng bán quân sự trên biển cũng như năng lực hải quân để thực thi các yêu sách chủ quyền và quyền tài phán bằng vũ lực nếu cần thiết. Cùng với đó, Trung Quốc cũng đang ra sức tăng cường năng lực để có thể buộc các lực lượng Mỹ trong khu vực ở vào thế nguy hiểm trong xung đột; qua đó ngăn chặn hải quân Mỹ tiếp cận vùng biển tây Thái Bình Dương.
Những biến cố có thể xảy ra
Trong số những diễn biến xấu có thể xảy ra dẫn đến một cuộc đụng độ vũ trang tại Biển Đông, có ba biến cố đặc biệt đe dọa đến lợi ích của Mỹ cũng như các nước trong khu vực.
Biến cố nhiều khả năng diễn ra và cũng nguy hiểm nhất là cuộc đụng độ bắt nguồn từ các hoạt động quân sự của Mỹ trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc dẫn tới khiêu khích Bắc Kinh đáp trả bằng vũ trang. Mỹ hiểu rằng Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) hay tập quán quốc tế đều không cho phép lực lượng quân sự tất cả các nước tiến hành các hoạt động quân sự tại vùng đặc quyền kinh tế mà không thông báo trước hay không có sự chấp thuận của quốc gia ven biển. Trung Quốc cũng quả quyết các hoạt động trinh sát tiến hành mà không thông báo trước hay không có sự cho phép của quốc gia duyên hải này sẽ vi phạm luật nội địa của Trung Quốc và luật pháp quốc tế.
Ảnh minh họa |
Trung Quốc luôn phản đối các chuyên bay trinh sát của Mỹ tiến hành trong vùng đặc quyền kinh tế của mình và thường hành động một cách quyết liệt, dẫn tới làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố tương tự như vụ va chạm giữa máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ với máy bay chiến đấu F-8 của Trung Quốc ở gần đảo Hải Nam vào tháng 4/2001. Một sự cố trên biển tương tự có thể bị châm ngòi bởi những tàu Trung Quốc quấy rối tàu tuần tra của hải quân Mỹ hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, như đã xảy ra năm 2009 với hai tàu hải quân Mỹ Impeccable và Victorious. Sự lớn mạnh đáng kể của hệ thống tàu ngầm Trung Quốc cũng làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột, như đã thể hiện trong vụ tàu ngầm Trung Quốc va vào thiết bị phát hiện tàu ngầm của một tàu khu trục Mỹ vào tháng 6/2009.
Các máy bay trinh sát cũng như tàu tuần tra Mỹ đều không trang bị vũ trang, nên Mỹ có thể sẻ đối phó với thái độ nguy hiểm của máy bay và tàu Trung Quốc bằng cách phái những đoàn hộ tống có vũ trang đến yểm trợ. Bất kỳ tính toán sai lầm hay sự hiểu nhầm nào khi đó cũng có thể dẫn tới một cuộc đấu súng chết người, và sau đó là leo thang quân sự và khủng hoảng chính trị toàn diện. Và khi mà nghi kỵ cũng như cạnh tranh chiến lượ giữa hai cường quốc trở nên khốc liệt hơn thì nó cũng sẽ khiến cho việc kiểm soát một cuộc khủng hoảng như vậy càng khó khăn thêm gấp bội.
Biến cố thứ hai liên quan đến xung đột giữa Trung Quốc và Philippine xung quanh các trữ lượng khí tự nhiên, đặc biệt tại khu vực tranh chấp bãi Cỏ Rong, nằm cách đảo Palawan của Philippine 8 hải lý. Các tàu khảo sát dầu tại bãi Cỏ Rong theo hợp đồng đang bị sách nhiễu nhiều hơn bởi tàu Trung Quốc. Có tin đưa, hãng năng lượng Forum Energy của Anh dự kiến sẽ bắt đầu khoan lấy khí tại bãi Cỏ Rong trong năm nay, điều này có thể kích động một sự đáp trả quyết liệt từ phía Trung Quốc. Forum Energy chỉ là một trong số 15 gói thầu thăm dò mà Manila có ý định mời thầu trong những năm tới để thăm dò dầu khí ngoài khơi đảo Palawan. Bãi Cỏ Rong là "ranh giới đỏ" của Philippine, nên mọi biến cố tại đây đều có thể nhanh chóng leo thang thành bạo lực nếu Trung Quốc can thiệp ngăn chặn hoạt động khoan dầu.
Mỹ có thể cũng bị lôi kéo vào cuộc xung đột Trung Quốc-Philippine theo như cam kết trong Hiệp ước tương trợ phòng thủ ký kết với Philippine năm 1951. Hiệp ước nêu rõ, "Hai bên công nhận một vụ tấn công vũ trang trên khu vực Thái Bình Dương vào bất kỳ bên nào cũng sẽ gây nguy hiểm cho hòa bình và an ninh của bên đó và tuyên bố sẽ hành động để giải quyết các nguy cơ chung phù hợp với các quy định trong hiến pháp".
Với quan hệ chính trị và quân sự ngày càng cải thiện giữa Manila và Washington, bao gồm một thỏa thuận sắp hoàn thành cho phép Mỹ mở rộng quyền tiếp cận các cảng biển và sân bay của Philippine để tiếp nhiên liệu và phục vụ tàu chiến và máy bay, Mỹ sẽ phải chấp nhận rủi ro rất lớn trong mỗi sự cố liên quan đến Trung Quốc-Philippine. Nếu không giải quyết tốt, Mỹ sẽ không chỉ làm tụt lùi mối quan hệ với Philippine mà còn đánh mất đi uy tín của mình với các đồng và đối tác trong khu vực. Nhưng nếu Mỹ quyết định cử tàu chiến tới đây thì lại sẽ là một sự liều lĩnh với một cuộc đối đầu hải quân.
Tranh chấp giữa Trung Quốc với Việt Nam liên quan tới các cuộc khảo sát địa chất hay hoạt động khai thác dầu khí cũng có khả năng châm ngòi cho một cuộc đụng độ quân sự. Trung Quốc đã liên tục quấy rối các tàu khải sát dầu khí của tập đoàn Petro Việt Nam thời gian qua khi đang hoạt động ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Năm 2011, Việt Nam đã hai lần lên án hành vi cố tình phá hoại đường dây cáp của tàu khảo sát dầu khí. Mặc dù không phản ứng bằng vũ lực, nhưng Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục các nỗ lực khai thác các mỏ dầu mới và chắc chắn sẽ không lùi bước.
Những tín hiệu đáng báo động
Về mặt chiến lược, các tín hiệu đáng báo động thể hiện mức độ rủi ro xung đột cao, bao gồm các quyết định chính trị và tuyên bố của các quan chức cấp cao, nhận định của các hãng truyền thông chính thức và không chính thức, những thay đổi về hậu cần và đổi mới thiết bị quân sự. Trong các diễn biến ở trên, thì các tín hiệu đáng báo động về chiến lược tại Biển Đông có thể bao gồm những phát ngôn gay gắt của tất cả hay một số bên tranh chấp liên quan đến lợi ích lãnh thổ và chiến lược của họ. Đơn cử, Trung Quốc đã ngang nhiên coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi. Hay như việc Bắc Kinh lớn tiếng đe dọa "không thể ngồi yên" để cho các nước khác "gặm nhấm" lãnh thổ Trung Quốc, một công thức mà trong quá khứ thường báo hiệu sự sẵn sàng sử dụng vũ lực. Lời lẽ cứng rắn cũng được các quan chức cấp cao Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) sử dụng trong các cuộc gặp với phía đối tác Mỹ. Trong khi đó, giọng điệu mang tinh thần chủ nghĩa dân tộc hơn của các trang truyền thông phi chính thức và các blog tiếng Hoa, cho dù không thể hiện chính sách chính thức, nhưng nó cũng có thể tạo ít nhiều áp lực lên giới lãnh đạo Trung Quốc phải hành động để bảo vệ lợi ích của nước mình.
Về chiến thuật, những tín hiệu đáng báo động là nguy cơ cao xảy ra xung đột tiềm tàng ở một thời điểm và vị trí cụ thể, bao gồm những thông báo và hồ sơ thương mại, những tuyên bố ngoại giao và/hoặc quân sự để cảnh báo bên tranh chấp kia ngừng các hoạt động khiêu khích, nếu không sẽ gánh chịu hậu quả, các cuộc tập trận quân sự nhằm đe dọa bên yêu sách khác, hay các điều chuyển tàu chiến đến khu vực tranh chấp. Những tuyên bố cũng như sự chuẩn bị bất thường của PLA có thể thể hiện sự sẵn sàng triển khai các công cụ quyết liệt hơn để ngăn chặn các tàu và máy bay Mỹ cũng như các nước khác.
Thúc đẩy các giải pháp giảm thiểu rủi ro trong khu vực
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã nhất trí về các biện pháp đa phương nhằm giảm thiểu rủi ro và xây dựng lòng tin trong Tuyên bố chung về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) 2002, nhưng rồi hoặc vẫn chưa tuân thủ các điều khoản (như giải quyết tranh chấp lãnh thổ và quyền tài phán mà không đe dọa sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực) hoặc không triển khai các đề xuất thực hiện các hoạt động hợp tác và xây dựng lòng tin. Việc nối lại các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN sau một thập niên gián đoạn mở ra tia hy vọng mang đến sức sống mới cho hoạt động hợp tác theo DOC.
Về đa phương, các cơ chế và thủ tục hiện hành đã có thể thúc đẩy an toàn hoạt động giữa các hải quân trong khu vưc. Mỹ, Trung Quốc và tất cả các thành viên ASEAN (trừ Lào và Myanmar) đều là thành viên của Hội nghị Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS). Thành lập năm 1988, WPNS là nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo hải quân trong khu vực hai năm một lần để thảo luận về an ninh biển. Năm 2000, hội nghị đã cho ra đời quy tắc về các cuộc đụng độ không báo trước trên biển (CUES), trong đó bao gồm các biện pháp an toàn và các thủ tục, cách thức để tạo điều kiện thông tin liên lạc khi tàu và máy bay tiếp xúc. Hơn nữa, còn có các cơ chế khác như Quy tắc Phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGS) của Tổ chức Hàng hải Quốc tế và các quy tắc trên không của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế. Ngoài ra, các lực lượng hải quân trong khu vực có thể hợp tác trong việc bảo vệ môi trường trên biển, các hoạt động nghiên cứu khoa học trên biển, các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xây dựng các cơ chế đối thoại mới cũng có thể đáng để xem xét. Diễn đàn Tuần duyên Biển Đông, theo mô hình Diễn đàn Tuần duyên Bắc Thái Bình Dương, hợp tác trên nhiều lĩnh vực an ninh hàng hải và các vấn đề pháp lý, có thể tăng cường hợp tác thông qua việc chia sẻ thông tin và kiến thức về cách thực hành tốt nhất. Việc tạo ra một trung tâm chia sẻ thông tin trên biển Đông cũng sẽ cung cấp một nền tảng để nâng cao nhận thức và giao tiếp giữa các bên liên quan. Trung tâm chia sẻ thông tin này cũng có thể phục vụ như một cơ chế trách nhiệm, nếu các nước được yêu cầu phải thu thập tài liệu của bất kỳ sự cố nào xảy ra và gửi đến trung tâm.
Đình Ngân theo CFR
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương About this page ι Sitemap ι Contacts Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge |