Đăng nhập


Trong mấy ngày qua, dư luận Trung Quốc đang xôn xao trước bài viết đăng trên trang web củaThời báo Hoàn Cầu hôm 23.4 và được hàng loạt trang tin điện tử của Trung Quốc đăng lại, chỉ trích “Trung Quốc đã làm càn trên biển Đông”.

Bài viết được đăng trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila xung quanh tranh chấp trên vùng đảo Scarborough/Hoàng Nham đang ngày càng “nóng”, khiến quốc tế hết sức lo ngại. Với nhan đề Mỹ choáng váng: Trung Quốc bài binh bố trận trên biển Đông vượt quá dự liệu, bài viết chỉ ra, bất chấp cảnh báo của Mỹ và Nhật Bản, nhưng những hành động cứng rắn của Trung Quốc trên biển Đông chưa khi nào ngừng.
 
 

Thời báo Hoàn Cầu hôm 23.4 chỉ trích “Trung Quốc làm càn trên biển Đông”.

 

Bài viết đặt vấn đề, trong vấn đề biển Đông, chính phủ Trung Quốc luôn chiếm quyền chủ động. Mặc dù dư luận trong nước cho rằng, hải quân Trung Quốc trên biển Đông còn rất yếu, nhưng thực tế thì sao?

Trước đây Hãng dầu khí của Anh BP đã từng đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) khai thác các giếng khí đốt Mộc Tinh và Hải Thạch tại biển Đông, ngoài khơi thềm lục địa của Việt Nam. Nhưng trước sức ép của Bắc Kinh BP phải rút lui khỏi dự án này. “Nếu hành động này chỉ xảy ra một lần vẫn còn chấp nhận được, nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, có thể thấy thái độ của Trung Quốc đối với biển Đông, can thiệp vào các thoả thuận này là vô lý”, bài báo viết.

Do không có đủ năng lực tự khai thác dầu, các nước Đông Nam Á thường phải tìm kiếm những công ty phương Tây hợp tác khai thác dầu ở biển Đông. Nhưng vì tàu chiến, máy bay của hải quân Trung Quốc luôn xuất hiện dày đặc. Hơn nữa Bắc Kinh còn thành lập thành phố Tam Sa, xây dựng sân bay trên đảo Vĩnh Hưng (Phú Lâm), nên họ không thể yên ổn khai thác dầu trên biển Đông.

 
 

Tàu chiến Trung Quốc diễn tập bắn đạn thật trên biển Đông

 

Cũng có một số công ty nhỏ muốn thử, nhưng liền gặp phải sự khống chế của hai “ông lớn”: Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Tổng công ty Dầu khí – Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) -luôn vươn ra khắp thế giới tìm mua dầu khí, liên kết khai thác dầu mỏ… Hành vi khống chế này cũng không phải chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn.

Ngoài Malaysia có những mỏ dầu gần bờ,còn hầu hết các mỏ dầu đều xa bờ, các công ty phương Tây đều không muốn làm mếch lòng Trung Quốc. Tuy nhiên, cho dù Malaysia có những mỏ dầu gần bờ, nhưng nếu mở bản đồ ra xem cho thấy, Trung Quốc chủ trương đẩy đường giới tuyến trên biển đến sát vùng đặc quyền 12 hải lý của Malaysia.

Điều đó có nghĩa là, vùng đặc quyền kinh tế cũng không thuộc về Kuala Lumpur. Đến bãi ngầm James Shoal nằm ở phía đông Malaysia, còn được Bắc Kinh coi là điểm cực nam của nước này, cho thấy sự tưởng tượng quá mức cùng với sự gian tà tột cùng của họ.

Cái bản đồ “đường lưỡi bò” vốn do chính quyền Trung Hoa dân quốc vẽ ra trên biển Đông, nay được Bắc Kinh ra sức tuyên truyền để có sự chấp nhận của dân chúng trong nước cũng như quốc tế. Từ xưa đến nay, đối với các nước như Brunei, Malaysia… Trung Quốc vẫn luôn vẽ đường phân tuyến tới “tận cửa nhà người ta”. Sau đó phân hóa Myanmar, Thái Lan, Campuchia… chia rẽ các nước ASEAN, nhấn chìm Philippines và từng bước gặm nhấm Việt Nam.

 
 

“Đường lưỡi bò” vô lý đăng trên bản đồ Hành chính và Du lịch tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), năm 1999

 

Thập niên 1930 – thời kỳ cực thịnh của chính quyền Trung Hoa dân quốc. Trong thời kỳ đó, một nhóm chuyên gia tìm cách mở rộng lợi ích dân tộc Hán. Một số người du học trở về đem theo những bản đồ hàng hải của Anh, Pháp, Mỹ, Nhật và tìm tất cả các loại đảo trên khắp tấm bản đồ đó, chỉ cần có lợi cho Trung Quốc liền đánh dấu hết lên trên đó.

Một nhóm chuyên ra trong nước thì tìm kiếm các tư liệu sử sách cũ, từ các đời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh để mò mẫm những tuyến lãnh hải nhằm tuyên bố chủ quyền. Một lần, họ phát hiện ra một dải đá ngầm mang tên James Shoal. Họ đã đẩy đường giới tuyến biển xuống đến đó, dừng lại đó vì xét thấy không thể mở rộng được nữa, nếu không, sẽ đưa Malaysia nhập vào lãnh thổ Trung Quốc.

Năm 1935, Trung Hoa dân quốc đã cho công bố tên gọi dải đá ngầm James Shoal này là dải đá ngầm Tăng Mẫu, đồng thời tuyên bố rằng đây chính là ranh giới cực nam vỹ độ thấp nhất thuộc phạm vi lãnh thổ của Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc mới ra đời, Trung Hoa dân quốc bị đẩy ra đảo Đài Loan cho đến ngày nay. Mặc dù đối đầu nhiều vấn đề, nhưng riêng về “đường lưỡi bò” này cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan dễ dàng có tiếng nói chung.

“Do địa lý biển Đông quá lớn, khoảng cách giữa các đảo cũng tương đối xa, mặc dù được gọi là biển Nam Trung Hoa, tuy nhiên, điều này không có nghĩa đây là vùng biển của riêng Trung Quốc. Nói theo cách đó, không lẽ Ấn Độ Dương thuộc về Ấn Độ?”. Bài viết lập luận.

Ai đã khiến cho biển Đông dậy sóng? Bài viết đặt câu hỏi.

Trung Quốc đã làm càn trong các cuộc xung đột từng xảy ra trên biển Đông. Bài viết thuật lại những trận đánh chiếm của hải quân Trung Quốc lên quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.

Năm 1989, sau khi chiếm được một số đảo trên quần đảo Trường Sa, với ý đồ lôi kéo sự thừa nhận của Liên hợp quốc, trong vai trò là Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Bắc Kinh kêu gọi UNESCO lập Trạm quan sát hải dương trên dải đá Chữ Thập (Fiery Cross Ree, Trung Quốc gọi là Vĩnh Thử), hàm ý rằng, ai dám đánh chiếm dải đá Chữ Thập, chính là đối đầu với Liên hợp quốc.

Phần cuối, bài viết đưa ra kết luận: “Bắc Kinh ngày càng thích gây ra rắc rối trên biển Đông. Trung Quốc đã tát vào mặt người khác, rồi tỏ thái độ tức giận rằng, họ đã tự đập mặt vào tay mình”.

 

 

 

theo datviet

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương

www.tantien.mov.mn

About this page ι Sitemap ι Contacts

Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge  

Tự tạo website với Webmienphi.vn