Đăng nhập


Cuộc mít tinh, tuần hành rầm rộ ngày 17/8/1945 của nhân dân Hà Nội đã thể hiện sức mạnh vĩ đại của lòng yêu nước của mọi giai tầng, khi được quy tụ dưới ngọn cờ độc lập dân tộc.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945 là thành quả của sức mạnh đoàn kết
Và chính cuộc mít tinh ấy đã giúp Đảng ta quyết định phát động tổng khởi nghĩa đồng loạt trên cả nước, giành chính quyền không hề đổ máu. Bài học đoàn kết lòng yêu nước trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ấy rất cần được phát huy trong mọi thời kỳ của cách mạng Việt Nam.
Hình ảnh hàng vạn quần chúng thuộc mọi tầng lớp tham gia tuần hành dưới lá cờ Việt Minh ngày 17/8/1945 đã khiến chính quyền Trần Trọng Kim kinh ngạc. Họ không ngờ cuộc mít tinh do họ tổ chức lại biến thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh, bao gồm rất đông các gia đình tư sản, tiểu tư sản, địa chủ...
67 năm sau, những Đoàn viên Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã góp mặt trong biển người lịch sử ấy, nay vẫn không quên thời tuổi trẻ được cuốn đi bởi lòng yêu nước mãnh liệt trong gia đình, bạn bè mình. Hầu hết họ là những người có học trong gia đình tư sản, tiểu tư sản, địa chủ. Họ không bị bóc lột, nghèo khổ, nhưng họ có trình độ, lại được các cán bộ Việt Minh giác ngộ, để có khao khát đất nước thoát khỏi ách ngoại xâm.
Cùng 3 anh chị em trong gia đình giàu nhất nhì phố Đồng Xuân, tiểu thư Từ Ngọc Hoan đã được bố mẹ tạo điều kiện cho tham gia mọi hoạt động của cách mạng. Với lòng yêu nước tiềm ẩn, gia đình bà đã giác ngộ nhau, rồi tiếp tục vận động họ hàng, bạn bè giàu có của mình theo Việt Minh, từ góp tiền, góp gạo, mua tín phiếu, may cờ và đi biểu tình Tổng khởi nghĩa.... Bản thân bà cũng trở thành Đoàn viên Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.
Bà kể lại: "Các nhà có của đi theo Việt Minh vì nạn đói đế quốc gây ra, mở cửa ra thấy xác chết, vì thấy chính sách hà khắc, nhổ lúa trồng đay, nộp thóc cho ngựa ăn trong khi dân mình đói...". Bà cũng cho biết, ngày đó, bà còn có được sức mạnh nhờ "Bố mẹ tôi sẵn sàng cho con hoạt động, ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần...".
Thời gian giữa năm 1945, Nhật có gần 10 vạn quân tại Việt Nam. Ta mới có 5.000 đảng viên, mà một số khá đông đang bị giam cầm. Ta yếu hơn địch rất nhiều về quân sự, vì chỉ có 5.000 quân vũ trang. Chính Mặt trận Việt Minh đã khơi gợi lòng yêu nước của mọi tầng lớp khác nhau, quy tụ dưới ngọn cờ độc lập dân tộc, tạo ra sức mạnh của lòng yêu nước toàn dân, đánh kẻ thù chung là đế quốc xâm lược và tay sai. Thấy rõ sức mạnh của lực lượng chính trị áp đảo đó, Đảng ta chớp thời cơ phát động tổng khởi nghĩa.
PGS - TS Lịch sử Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam kể lại: "Lúc bấy giờ, Cách mạng tháng Tám tập hợp gần như toàn bộ người yêu nước từ tư sản, trí thức, quan chức… Vua Bảo Đại cũng được cuốn hút bởi lòng yêu nước của nhân dân ta."
Cách mạng tháng Tám đã chứng minh một chân lý: Không gì mạnh bằng lòng yêu nước toàn dân nếu được đoàn kết lại, vì mục tiêu chung, phù hợp với nguyện vọng và quyền lợi chung nhất của mọi tầng lớp nhân dân. "Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không bao giờ hết, vấn đề là biết đoàn kết, khơi gợi...có mục tiêu chung độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân", PGS Trần Đức Cường khẳng định.
Điểm son của Cách mạng Tháng Tám đã được đúc kết trong câu nói của Hồ Chủ tịch: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết hợp thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn; nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước." Và lòng yêu nước - một thuộc tính của người Việt Nam đó, luôn cần được phát huy trong xã hội Việt Nam, trong mọi hoàn cảnh.

 VTV NEWS

2012-08-19

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương

www.tantien.mov.mn

About this page ι Sitemap ι Contacts

Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge  

Tự tạo website với Webmienphi.vn