Do đi làm ăn xa, một số thanh niên đã sa ngã vào các tệ nạn xã hội như tiêm chích ma túy, mại dâm... dẫn đến lây nhiễm HIV.
Một chiều mưa tháng 7, ngồi đối diện với chúng tôi trong căn nhà tuyềnh toàng là người đàn ông nhỏ thó, nước da xanh sạm với gương mặt đầy ưu tư, mệt mỏi. Đôi mắt thẫn thờ, anh bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về quãng đời đã qua của mình đầy nuối tiếc.
Anh là N.T.N, sinh năm 1965, ở thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ). Năm 20 tuổi, anh đã cùng bạn bè lên các tỉnh biên giới phía Bắc buôn bán làm ăn, hết ở Tuyên Quang, Bắc Cạn, lại đến Cao Bằng, Lạng Sơn... Cứ thế, theo vòng quay của bánh xe là vết trượt dài của N.T.N với “nàng tiên nâu”. Năm 2006, thấy sức khỏe suy giảm, công việc buôn bán cũng không còn thuận lợi, anh đến Trung tâm Cai nghiện tại Sao Đỏ (Chí Linh) mong đoạn tuyệt với ma túy. Nhưng trời không chiều lòng người, cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm dương tính với HIV, lòng anh đau nhói. Đau đớn hơn, là vợ anh, chị N.T.T cũng đã mang bệnh. “Nghe người ta nói, đây là căn bệnh thế kỷ, không có thuốc gì chữa khỏi, nếu mắc bệnh thì chỉ có chờ chết, tôi vô cùng tuyệt vọng. Hàng xóm, láng giềng ngày ấy họ sợ lắm. Biết mình có HIV, chẳng ai dám đến gần. Vợ chồng tôi như cây khô chết đứng. Vốn liếng của hàng chục năm làm ăn chẳng thấy đâu, giờ lại thấy bệnh tật và cái chết đang chờ” - anh T. chua chát nói. Rồi anh chỉ cho chúng tôi xem khắp căn nhà xây lâu năm, vữa trát tường rơi lả tả dưới nền, chẳng có thứ đồ đạc gì giá trị. Hôm nay, chị T. vợ anh lên Trung tâm Phòng, chống các bệnh xã hội thăm khám và lấy thuốc. Hai đứa con của vợ chồng anh đã vào Nam lập nghiệp. Đường sá xa xôi, không mấy khi con cái về thăm, nên hai vợ chồng nương tựa vào nhau để sống. Sự sống tính từng ngày, từng giờ của đôi vợ chồng có HIV ấy thật vô cùng chật vật. Sức không còn, anh chị cho thuê 4 sào ruộng khoán lấy thóc ăn. Trước đây, anh T. còn làm nghề cắt tóc và sửa xe đạp. Giờ mắc bệnh, chẳng ái dám đến nhờ anh cắt tóc nữa. Sức khỏe đã yếu nên việc sửa xe cũng lúc được, lúc không. Trước khi chia tay chúng tôi, anh T. bật khóc: “Vợ chồng tôi bây giờ sống để chờ chết mà lại không biết làm gì để sống?”.
Câu nói của anh T. cứ ám ảnh chúng tôi trên chặng đường đến nhà chị N.T.D cùng ở xã Bình Lãng (Tứ Kỳ). Hoàn cảnh của chị D. cũng vô cùng bi đát. Là người phụ nữ thôn quê, vốn chân chất, hay lam hay làm, chị đâu có biết gì về căn bệnh "thế kỷ". Trước đây, anh N.T.V chồng chị thường xuyên đi làm ăn xa. Năm 2008, anh V. đổ bệnh nặng, gia đình đưa đi bệnh viện mới biết anh đã nhiễm HIV và mất sau đó 3 tháng. Nỗi đau mất chồng chưa nguôi, chị D. bàng hoàng nhận tin mình cũng đã bị lây nhiễm HIV từ chồng. Bà con hàng xóm xa lánh. Tuy đã xét nghiệm kết quả âm tính với HIV, nhưng các con của chị đi học cũng bị bạn bè kỳ thị. Hằng đêm, chị chỉ biết ôm con khóc. Trước đây, gia đình có bao nhiêu tiền đã dồn hết để chữa trị cho chồng, nên giờ chị D. cũng không có điều kiện đi thăm khám, dùng thuốc điều trị. Buồn đau chồng chất, chị D. gần như tuyệt vọng. Nhiều lúc chị đã nghĩ đến cái chết mong giải thoát, nhưng nghĩ thương hai con, chị lại nén lòng. Chị D. nghẹn ngào: "Nếu không vì các con, có lẽ tôi không còn động lực để tiếp tục sống. Giờ đây, bà con hàng xóm cũng đã hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của gia đình tôi nên nỗi buồn cũng vơi bớt". Cùng chung nỗi đau ấy là bác Nguyễn Tiến Hưng, bố chồng chị D. Ngoài anh V., bác còn 1 người con trai nữa cũng chết vì nhiễm HIV năm 2009 khi mới 21 tuổi. Ngồi dưới bàn thờ con, đôi mắt người cha hoe đỏ: "Tôi không ngờ, người đầu bạc phải đưa tiễn kẻ đầu xanh. HIV đã cướp đi hai đứa con trai, giờ lại bắt con dâu tôi phải chịu đau đớn. Tôi là bố, nhưng phải nhìn các con lần lượt ra đi mà bất lực...".
Bình Lãng là xã trọng điểm về số người nhiễm HIV của huyện Tứ Kỳ. Theo con số thống kê của Trung tâm Y tế huyện, đến nay, xã Bình Lãng có 22 người nhiễm HIV, trong đó, một số người hiện không có mặt tại địa bàn. Do người dân trong xã chủ yếu làm nông nghiệp nên những năm 90 của thế kỷ trước, các nam thanh niên trong xã theo nhau lên các tỉnh biên giới phía Bắc buôn bán làm ăn. Một số người đã sa ngã vào các tệ nạn xã hội như tiêm chích ma túy, mại dâm... dẫn đến lây nhiễm HIV. Do đó, đến thời điểm này, hầu hết số người nhiễm HIV ở Bình Lãng đều là nam giới, độ tuổi từ 30-45. Phụ nữ chủ yếu lây nhiễm HIV từ chồng. Những người nhiễm HIV hầu hết là lao động chính, nên khi đổ bệnh gia đình thường lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Nhận thấy mức độ nguy hại của căn bệnh HIV tại địa phương, hằng năm, Công an xã phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh tổ chức tuyên truyền cho bệnh nhân và người thân cách phòng, tránh lây nhiễm HIV; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã giúp người dân hiểu hơn về căn bệnh HIV, tránh định kiến và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Mỗi khi nhận được thông báo về một trường hợp mới nhiễm HIV tại địa phương, Trạm Y tế xã vẫn bảo đảm giữ bí mật và động viên nạn nhân, hỗ trợ về mặt tinh thần cho thân nhân. Thông qua Hội Chữ thập đỏ xã, Công ty CP Kem Bình Dung ở TP Hải Dương đã nhận trợ cấp thường xuyên cho 2 trường hợp nhiễm HIV trong xã, mỗi người được 150 nghìn đồng/tháng. Ông Nguyễn Ngọc Thời, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết: "Thực tế, tại địa phương số người nhiễm HIV có thể còn cao hơn nhiều. Vì có một số người nhiễm HIV không khai báo với ngành y tế mà tự điều trị. Một số người lại thường xuyên vắng mặt tại địa phương, do đó khó khăn trong thống kê và quản lý. Tuy nhiên, trạm vẫn thường xuyên khuyến cáo, thông báo đến những người nhiễm HIV và gia đình về tác dụng của việc thăm khám sức khỏe thường xuyên, trong trường hợp được phép thì người nhiễm HIV nên sử dụng thuốc kháng vi-rút ARV".
Theo Báo Hải Dương ĐT
2012-08-05 08:26:57
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương About this page ι Sitemap ι Contacts Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge |