Đăng nhập


Các làng nghề ở Gia Lộc đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, đóng góp không nhỏ và tổng giá trị thu nhập của địa phương... Xác định làng nghề sẽ khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo ra nhiều việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho người lao động tại khu vực nông thôn, những năm qua, các cấp chính quyền huyện Gia Lộc đã có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích các làng nghề phát triển...

Các làng nghề ở Gia Lộc đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, đóng góp không nhỏ và tổng giá trị thu nhập của địa phương... Xác định làng nghề sẽ khai thác tiềm năng, thế mạnh, tạo ra nhiều việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho người lao động tại khu vực nông thôn, những năm qua, các cấp chính quyền huyện Gia Lộc đã có nhiều chính sách quan tâm, khuyến khích các làng nghề phát triển...
Đồng chí Nguyễn Thị Kịch, phó chủ tịch UBND huyện Gia Lộc cho biết: Gia Lộc là một trong những huyện có nhiều làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó có nhiều làng nghề hình thành, phát triển từ lâu đời. Những năm qua, các làng nghề đã đóng vai trò tích cực trong phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Các làng nghề đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, đóng góp không nhỏ vào tổng giá trị thu nhập của địa phương... Để giúp các làng nghề duy trì, phát triển, thời gian qua, huyện Gia Lộc đã tranh thủ các nguồn vốn của trung ương và của tỉnh đầu tư các công trình giao thông thuộc các làng nghề. Từ năm 2006 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng xong tuyến đường Quán Trắm - Nghĩa Hy thuộc xã Hoàng Diệu (nơi có 4 làng nghề truyền thống) với chiều dài 2,7km, tuyến  đường thôn Đông Cận và Tam Lương thuộc xã Tân Tiến (nơi có 2 làng nghề truyền thống), chiều dài 1,1km. Bên cạnh đó, các phòng, ban chuyên môn của huyện cũng thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho người lao động. Đến nay, toàn huyện hiện có 9 làng được UBND tỉnh công nhận là làng nghề công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, trong đó có 4 làng nghề giày da ở xã Hoàng Diệu, 2 làng nghề bún, bánh đa ở Tân Tiến, 1 làng nghề thêu ren - mây tre đan xã Phương Hưng, 1 làng nghề thêu ren - mộc ở xã Gia Hoà và 1 làng nghề rèn - thêu ren ở xã Thống Kênh. Trong số các làng nghề, có nhiều làng nghề truyền thống hàng trăm năm, có thương hiệu nổi tiếng như giày da Phong Lâm, Trúc Lâm... (Hoàng Diệu), bún Đông Cận (Tân Tiến), rèn Đồng Tái (Thống Kênh)...
Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu Nguyễn Đức Chải, cho biết, xã có 4 làng được công nhận là làng nghề truyền thống, đó là Phong Lâm, Trúc Lâm, Văn Lâm và Nghĩa Hy. Nghề đóng giày, dép ở Hoàng Diệu có cách đây hơn 6 thế kỷ. Sản phẩm của xã nổi tiếng khắp cả nước. Toàn xã hiện có khoảng 200 hộ làm nghề đóng giày, dép với gần 2.000 lao động. Nghề đóng giày, dép đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn Hoàng Diệu. Năm 2008, nghề này chiếm hơn 40% tổng giá trị sản phẩm của toàn xã. Nghề truyền thống đã giúp cho hàng chục hộ dân trong làng thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ở Hoàng Diệu đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn, có thị trường tiêu thụ rộng khắp trong cả nước. Xác định nghề tiểu, thủ công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, xã đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các hộ trong làng nghề phát triển sản xuất như tạo điều kiện mặt bằng để các hộ có điều kiện mở rộng cơ sở sản xuất; phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tổ chức các lớp truyền nghề, mời các nghệ nhân trong làng tổ chức truyền nghề, dạy nghề cho thế hệ trẻ... Để làng nghề phát triển bền vững, hiện nay, xã đang phối hợp với huyện khẩn trương hoàn tất thủ tục thành lập hội giày da Hoàng Diệu. Đây sẽ là cơ hội, điều kiện để các làng nghề học tập, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Gia đình ông Trần Huy Thắng là hộ điển hình trong nghề đóng giày, dép ở thôn Trúc Lâm. Hiện nay, gia đình ông có 3 cơ sở đóng giày, dép. Sản phẩm được tiêu thụ tại các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Dương... và một số tỉnh miền Trung như Thanh Hoá, Nghệ An. Ngoài đóng giày bán ra thị trường, cơ sở của ông còn cung cấp nguyên liệu cho các hộ sản xuất trong xã. Trung bình một tháng gia đình ông sản xuất gần 2.000 đôi giày, dép các loại. Gia đình ông thường phải thuê 8 - 10 lao động, với mức lương trung bình 2 triệu đồng/người/ tháng.

Hai thôn Đông Cận và Tam Lương (Tân Tiến) gắn bó với nghề làm bún đã hàng trăm năm nay. Nghề đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 400 lao động, hằng năm tạo  ra giá trị sản phẩm hơn 10 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Ngành, chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Là xã thuần nông, Tân Tiến ít có cơ hội phát triển như nhiều xã khác trong huyện. Vì vậy, địa phương luôn coi trọng phát triển làng nghề, tạo mọi điều kiện để người dân tham gia vào ngành nghề phụ. Vận động nhân dân đầu tư máy móc hiện đại thay thế cách làm thủ công trước đây để nâng cao năng suất lao động. Đối với các hộ làm nghề có nhu cầu vay vốn ngân hàng để mua sắm máy móc, các tổ chức đoàn thể của xã như hội nông dân, phụ nữ, tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ về thủ tục vay vốn tại các tổ chức tín dụng...

Với các biện pháp tích cực của các cấp chính quyền ở Gia Lộc nhằm duy trì, phát triển làng nghề, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, những năm qua, các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Gia Lộc phát triển theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp. Làng nghề phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, con em nông dân đến tuổi lao động có việc làm tại chỗ. Đó cũng là chủ trương phát triển kinh tế nông thôn của Gia Lộc trong những năm tiếp theo.

(Báo Hải Dương)

Cung cấp thông tin cho Tân Tiến Online vui lòng gửi về nguoitantien@gmail.com 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương

www.tantien.mov.mn

About this page ι Sitemap ι Contacts

Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge  

Tự tạo website với Webmienphi.vn