TaTi-Thôn Đông Cận, xã Tân Tiến (Gia Lộc) từ lâu nổi tiếng với nghề làm bún. Với hàng chục gia đình làm nghề, mỗi năm đưa ra thị trường hàng trăm tấn bún. Từ nghề làm bún làng quê nơi đây ngày càng trù phú.
Được hình thành từ hàng trăm năm xưa, người dân trong thôn nhờ vào kinh nghiệm của cha ông truyền lại đã phát triển thương hiệu làng nghề cho đến ngày hôm nay. Trong mỗi gia đình có bao nhiêu nhân lực thì hầu hết đều tham gia sản xuất bún. Trước đây, sản xuất bún hoàn toàn bằng thủ công và chỉ phục vụ nhu cầu của bà con quanh khu vực, nhưng do có chất lượng tốt, sản phẩm làm ra được ưa chuộng nên người dân nơi đây đã mở rộng quy mô sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ.
Ông Lê Văn Luyện, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến cho biết: Trước đây, làng nghề chỉ có hơn chục hộ làm bún với quy mô sản xuất nhỏ và hoàn toàn thủ công, đến nay đã có khoảng 100 hộ tham gia, chiếm gần 40% số hộ trong thôn. Sản phẩm của làng nghề không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn huyện Gia Lộc mà đã vươn ra khắp các huyện, thành phố trong toàn tỉnh. Nghề làm bún giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động tại chỗ. Đặc biệt, nghề làm bún hiện nay không chỉ duy trì trong thôn mà còn phát triển rộng ra một số thôn lân cận như Tam Lương và Quán Đào.
Cơ sở của anh Lê Văn Tần mỗi ngày sản xuất 5-6 tạ bún. Ảnh: Phùng Anh Bản
Chúng tôi đến gia đình anh Lê Văn Tần, một trong những gia đình có nhiều năm làm bún của thôn Đông Cận đúng lúc anh đang chuẩn bị sản xuất mẻ bún mới cho buổi sớm mai. Vừa vận hành máy anh Tần cho biết: Việc sản xuất bún phải trải qua nhiều công đoạn và được làm tỉ mỉ từng khâu, trước kia khi chưa có máy móc thay thế thì sản xuất bún rất vất vả. Chỉ cần một khâu sai sót sẽ làm hỏng cả một mẻ bún. Hiện tại, mỗi ngày gia đình anh sản xuất và cung cấp cho thị trường 5 – 6 tạ bún. Nghề làm bún đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động trong gia đình. Được biết, trung bình mỗi năm, trừ chi phí gia đình anh thu lãi khoảng 80 – 90 triệu đồng từ nghề làm bún.
Nghề làm bún vất vả phải thức khuya dậy sớm. Người làm nghề phải kiên trì, tuy công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi phải mất nhiều thời gian, làm việc liên tục trong nhiều giờ và phải khéo léo, có kỹ thuật mới làm được. Ông Lê Văn Chiến ở thôn Đông Cận gần 30 năm gắn bó với nghề làm bún, đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý, nhìn gạo, nghe thời tiết là biết phải ngâm, ủ gạo trong bao lâu để có được sợi bún dẻo, mềm. Với ông Chiến, một mẻ bún ngon phụ thuộc rất nhiều yếu tố, ngoài chọn được gạo ngon, trắng, đều còn phải cả thời tiết và nguồn nước. Đặc biệt, làm bún không thể nóng vội, phải chịu khó và cũng rất tỉ mỉ. Để bún không bị chua, thơm, dẻo, không xốp thì phải chú ý tới thời gian ngâm gạo và ngâm bột nước, thường thì mùa đông là 2 ngày và mùa hè 1 ngày và phải để nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp… Hiện tại, mỗi ngày gia đình anh cung cấp cho thị trường khoảng 4 – 5 tạ bún.
Theo nhiều người dân làm nghề trong làng thì trước kia việc sản xuất bún chủ yếu còn nhỏ lẻ và chủ yếu làm thủ công nên sản phẩm làm ra mất nhiều thời gian, năng suất không cao. Nhưng nhiều năm trở lại đây, khi đời sống người dân phát triển, đặc biệt là từ năm 2005 nghề bún được công nhận là làng nghề truyền thống, sản phẩm của làng nghề ngày càng đi xa và không ngừng mở rộng thị trường. Nhất là việc người dân làng nghề đã tự tìm hiểu, đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất bún, nhiều gia đình như anh Tần, ông Chiến… đã đầu tư máy sản xuất bún trị giá hàng chục triệu đồng, góp phần nâng công suất sản xuất bún, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của thị trường, mang lại giá trị thu nhập cao. Không những làm giàu từ việc bán bún mà các sản phẩm thừa từ khâu sản xuất còn được người dân nơi đây tận dụng làm thức ăn chăn nuôi rất hiệu quả. Hằng năm, ngoài khoản thu nhập từ làm bún, người dân trong thôn còn thu về hàng trăm triệu đồng từ chăn nuôi.
Sự phát triển của làng nghề bún ở Đông Cận đã góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân trong thôn. Tuy nhiên, hiện nay do lượng sản xuất bún của làng nghề ngày càng tăng (khoảng 10 tấn bún/ngày) vì vậy lượng nước thải và bã thải trong quá trình sản xuất rất lớn. Việc thu gom, xử lý chất thải, nước thải tại làng nghề vẫn chưa thực sự được các cấp, các ngành quan tâm. Hầu hết nguồn nước trong quá trình ngâm gạo, ngâm bột và thau rửa đều được người dân xả trực tiếp ra các ao hồ, mương máng xung quanh khu vực sinh sống gây ô nhiễm môi trường. Lượng bã thải trong quá trình làm bún đã được người dân tận dụng làm thức ăn chăn nuôi nhưng vẫn còn tồn và thải ra môi trường…
Để làng nghề phát triển bền vững, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, các cấp, các ngành cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề ô nhiễm môi trường, có chính sách hỗ trợ người dân trong việc giữ gìn, phát triển làng nghề, trong đó có vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt người dân làng nghề cũng cần nâng cao nhận thức, để không gây ô nhiễm môi trường sản xuất tại chính làng nghề.
''Muốn có sợi bún ngon, dai thì điều quan trọng là phải chọn được loại gạo ngon, hạt mẩy, không bị gẫy. Khi ngâm gạo trước khi xay bột phải chú ý đến thời gian ngâm. Ngâm quá nhanh sẽ làm cho sợi bún bị đục không đẹp, không ngon. Cũng không được ngâm quá lâu vì như vậy sẽ làm cho sợi bún bị bở, không dai. Gạo sau khi ngâm được xay rồi bọc lại thành từng khối nén chặt lại. Nếu nén càng chặt thì sau sẽ cho ra sợi bún ngon hơn. Bột gạo sau khi nén chặt thì được đem ra pha với nước, nhưng cần để ý nước pha phải là nước thật sạch, phải pha hợp lý giữa lượng nước và lượng bột gạo, không sẽ làm cho sợi bún bị nhão, đục không thành sợi. Trong quá trình cho ra sợi bún phải để ý đến hơi nước, hơi nước phải nóng, kín thì sợi bún mới liền, dai.''
Theo Báo Hải Dương điện tử
Tân Tiến Online - Trang trực tuyến của xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương
Đánh giá bài viết
|
Người gửi / điện thoại
Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương About this page ι Sitemap ι Contacts Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge |