Đăng nhập


Đã hơn nửa thế kỷ từ khi bài hát “Ngày mùa” ra đời. Mỗi khi nghe lại, lòng ta vẫn nao nao nhớ về vùng quê nơi ta sinh ra, lớn lên, cất giấu tuổi thơ êm đềm.

Ở nông thôn Việt Nam, những ngày mùa gặt hái với những bông lúa vàng trĩu hạt được người nông dân quẩy từ cánh đồng về nhà, mang nặng nghĩa tình của người dân quê một nắng hai sương; là cảnh sắc tiêu biểu nhất. Bởi đó là biểu tượng của ấm no, hạnh phúc của họ. Cảm nhận điều đó, nhạc sĩ Văn Cao đã viết “Ngày mùa”. Tác phẩm này trở thành một trong những bài hát hay nhất trong số những bài hát viết về nông thôn Việt Nam.

Nói đến Văn Cao, nói đến âm nhạc kháng chiến chống thực dân Pháp, đến những tác phẩm viết về nông thôn, không thể không nhắc đến “Ngày mùa”. Điều đặc biệt là tác giả nói đến ngày mùa, đến nông thôn trong kháng chiến nhưng tuyệt nhiên không có khói lửa, đạn bom, không có đùng đoàng súng đạn và máu đổ, xương phơi, không là những “nhà cháy, cây héo khô, nhà thiêu nền trơ đất…”. Bởi cái không gian nông thôn mà Văn Cao nói đến có lẽ ở vùng tự do chỉ là một phần mà cái chính là nông thôn Việt Nam dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn êm ả thanh bình như vốn dĩ vẫn vậy. Và người nông thôn chỉ quen với cuộc sống phẳng lặng gắn với đồng ruộng, con mương.

Đúng vậy, “Ngày mùa” đã mở đầu bằng những lời lẽ bình dị diễn tả một vùng khá bình yên: “Ngày mùa vui thôn trang, cũng như trên cánh đồng. Lúa không lo giặc về, khi mùa vàng thôn quê. Ngày vui trong thôn xóm, đầy đồng giáo với gươm”. Đường nét âm nhạc thì bình ổn, phẳng lặng nhưng những từ “giặc” và “giáo, gươm” đã cho ta thấy bối cảnh mà bài hát đề cập. Có lẽ “giáo với gươm” ở đây là những vũ khí thô sơ được người nông dân mang theo để tự vệ, đề phòng có bất trắc khi “giặc về”, trong đó là một vùng tự do không thuộc quyền kiểm soát của địch.

Công việc đồng áng của nhà nông luôn nặng nhọc, vất vả nhưng hơn ai hết, người nông dân luôn mang trong mình những đặc điểm tiêu biểu nhất của người Việt Nam. Một trong những nét tính cách đó là trong sáng, lạc quan. Dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào, họ cũng vẫn vui, không bao giờ bi quan, tuyệt vọng.

 



Nghe bài hát: Ngày mùa

Sáng tác: Văn Cao

Thể hiện: Hồng Nhung

 

Trong “Ngày mùa”, có những chi tiết thể hiện đặc điểm này. “Súng tì tay anh hát. Em ngừng liềm trông sang”. Chàng du kích gặt lúa trong phút giải lao đã cất tiếng hát, nhưng súng luôn “tì tay”, tức là không bao giờ rời súng. Đó là yêu cầu nghiêm ngặt đối với thời chiến. “Em ngừng liềm trông sang” để vừa nghe, vừa nhìn anh hát - một không khí thật trữ tình trong những khoảnh khắc nghỉ ngơi. Càng lãng mạn hơn khi ở cuối bài xuất hiện hình ảnh: “Ngày vui quân du kích đứng im trông lúa rập rờn. Người người vui gánh lúa. Nón nghiêng nghiêng cười ai”.

 

“Ngày mùa” là bức tranh đẹp về nông thôn trong kháng chiến nhưng ở vùng tự do. Những người dân quê vui vẻ, lạc quan thanh thản gắn bó với ruộng đồng, làm ra những mùa vàng bội thu để phục vụ kháng chiến. Chỉ một vài chi tiết nhỏ, được lướt qua cho ta thấy cuộc kháng chiến này đã ẩn khuất đi ở bên trong một ca khúc có giai điệu nhẹ nhàng, mềm mại.

Tác phẩm “Ngày mùa” tỏ rõ Văn Cao rất “hiện đại”, rất “mô-đen” mà cũng rất dân tộc. Càng đặc biệt khi rất nhiều bán âm trong “Ngày mùa” được ông xử lý rất khéo nên đã không gây ra cảm giác “Tây” mà vẫn rất Việt. Có lẽ do cái hồn Việt đã thẩm thấu rõ nét trong ca khúc này.

Từ khi bài hát ra đời, đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi khi nghe lại, lòng ta vẫn nao nao nhớ về vùng quê - nơi ta sinh ra, lớn lên, rồi cất giấu tuổi thơ êm đềm. /.

VOV - Báo TNVN

2012-06-15

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương

www.tantien.mov.mn

About this page ι Sitemap ι Contacts

Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge  

Tự tạo website với Webmienphi.vn