Đăng nhập


Trường trở về cứ ôm cây ngọc lan mà khóc. Chiến tranh là thế, oái oăm quá... Thực ra Trường suốt tám năm ở Trường Sơn làm gì, lúc đầu tôi và học sinh lớp 10C cũng không rõ. Dần dần, mọi thứ mới hé ra. Trường được biên chế vào đại đội xe máy chuyên mở đường và san lấp hố bom. Trong đại đội có đến già nửa là thanh niên xung phong nữ. Sau một đêm lái xe ủi cật lực, Trường tắm suối rồi về lán. Bỗng Trường nghe thấy tiếng khóc tắc nghẹn: "Tôi không biết, anh đã cưỡng bức tôi. Giờ anh làm thế nào thì làm". Đấy là tiếng cô Bông cấp dưỡng. 

BÙI VIỆT SỸ
 
 
 
Mùi thật thà
 
Truyện ngắn
 
 
 
 
Thầy hiệu trưởng có cuộc họp. Tiếp anh phóng viên trẻ là bà giáo già làm hợp đồng. Không biết hiệu trưởng khi nào mới về, anh phóng viên gợi chuyện với bà giáo để giết thời gian. Bắt đầu là chuyện thuê ô-sin rất khó khăn ở thời kinh tế mở, dần dà đến những kỷ niệm trong đời giáo viên của bà.
Bà nhớ lại, đó là khóa 1967 - 1968, thời kỳ ác liệt nhất cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ tại miền Bắc. Trường Việt - Xô Hà Nội phải sơ tán lên vùng Thạch Thất, Hà Tây. Lớp học ở lẫn với dân. Trong lớp có hai nhân vật mà bà nhớ nhất, đó là Trường lớp trưởng, học lực ở mức trên trung bình, nhưng tính tình xốc vác, có việc gì nặng cũng xung phong làm nên bạn bè đặt cho tên Trường trâu. Nhân vật thứ hai là Ngọc Lan. Lan có vẻ đẹp dịu dàng, càng nhìn càng thấy đẹp, hát cũng khá hay. Dù là thời đạn bom nhưng phong trào văn nghệ của học sinh vẫn sôi nổi lắm. Vẫn có hội diễn toàn thành phố. Lớp 10B, do cô hiệu phó Thùy Mai làm chủ nhiệm có Trần Tùng rất có năng khiếu âm nhạc. Cô Thùy Mai là giáo viên văn giỏi cấp thành phố, xuất thân từ gia đình học giả có tiếng tăm. Trần Tùng là học sinh cưng của cô đứng ra dàn dựng một tiết mục đại hợp xướng để dự hội diễn thành phố. Trong số học sinh 10C tham gia có Ngọc Lan và Trường.
Mới tập đến buổi thứ ba thì cô Thùy Mai cho một học sinh đến tìm tôi. Tôi lật đật chạy đến, thấy không khí im ắng khác thường. Dưới ánh đèn măng-sông, tôi thấy một bên má Trường có vệt xước dài, máu đang rịn ra. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì cô Thùy Mai đã đay nghiến: "Lớp trưởng của cô đấy! Chỉ được cái phá đám thôi". "Thì chị cứ để tôi tìm hiểu cái đã", tôi trả lời: "Chuyện thế nào hả Trường?". Tôi hỏi đến lần thứ hai cậu ta vẫn im lặng. Có tiếng cười khúc khích của mấy cô cậu khiến tôi càng bực mình, quát khẽ: "Lúc này mà các em còn đùa được sao?". Rồi tôi quay lại hỏi Trường lần cuối: "Cậu nói đi chứ!". "Dạ, lỗi tại em, nhưng cũng tại bạn Tùng điệu đà quá. Thành ra lúc Tùng bắt nhịp hát trầm xuống thì em lại hát tướng lên. Tùng bực quá ném que chỉ huy vào mặt em. Chỉ có thế thôi ạ". "Chuyện vậy mà cậu bảo chỉ có thế thôi sao?". Tôi vặn lại thì lũ bạn đứng quanh Trường lại rúc rích cười. Lúc đó tôi chẳng hiểu ra sao nữa, cuối cùng tôi hỏi Trường: "Cậu có muốn tham gia không? Trả lời tôi một cách trung thực. Muốn thì ở lại tập. Không muốn thì tôi xin cô Thùy Mai cho cậu nghỉ". Trường đáp: "Em là lớp trưởng, em có trách nhiệm ở lại". Tôi đồng ý và đi gặp cô Thùy Mai. Cô Mai tỏ ra khó chịu, không tin tưởng. Tôi phải nói thêm: "Học sinh của tôi, tính trung thực của các em thì tôi tin".
 
Hội diễn năm đó, tiết mục đại hợp xướng của Việt - Xô được giải xuất sắc, một phần do sự đóng góp của Tùng, một phần do Ngọc Lan lĩnh xướng, giọng không thật tuyệt, nhưng vẻ đẹp của em khiến cả ban giám khảo đều mê tơi. Còn chuyện Trường, mấy ngày sau các em mới cho tôi hay, Trường mê Ngọc Lan lắm. Bọn nhỏ nói với tôi dưới đầu giường của Trường luôn để cuốn Dưới bóng hoàng lan của Thạch Lam. Hoàng hay ngọc thì cũng là lan. Bởi thế khi thấy Tùng cưa Ngọc Lan, Trường trâu nhà ta cáu tiết nên mới phá đám.
 
Sau Tết, nắng hoe vàng, mùa thi cuối cấp đang đến rất gần. Tâm trạng của Trường lúc ấy rất buồn. Cậu ấy bảo: "Trước sau gì em cũng nhập ngũ. Nhưng em đảm bảo với cô là em sẽ đỗ tốt nghiệp". Ngày thi chưa đến mà lớp lại xảy ra chuyện buồn. Tối đó, khuya lắm rồi, Ngọc Lan đến chỗ tôi, mếu máo: "Em bị mất chiếc nhẫn vàng cô ạ. Chiếc nhẫn bạn Tùng tặng em. Em giấu trong hộp kim chỉ". Tôi bình tĩnh bảo Lan: "Mình đang sơ tán, ở nhờ nhà dân. Em đừng làm ầm lên. Để cô điều tra xem". Lan rất bồn chồn, nhưng cuối cùng cũng nghe lời khuyên của tôi. Sáng hôm sau tôi có tiết dạy trong lớp, nhưng không thấy Trường. Các bạn bảo Trường đang sốt rất cao. Tan tiết học tôi đến. Trường đang sốt như nung như nấu. Cậu ấy nắm tay tôi, vừa nói vừa khóc nấc: "Em có lỗi lắm cô ạ". "Lỗi gì?", tôi ngạc nhiên hỏi lại. "Em đã lấy cắp chiếc nhẫn Tùng tặng Lan... Không phải vì tham... mà vì cái gì em cũng không biết...". Lúc đầu tôi ớ ra, phải một lát sau mới hiểu và an ủi Trường: "Em biết thú nhận như vậy là tốt. Thế nhẫn em để đâu?". "Em vứt xuống ao rồi. Cả đêm qua, em xuống ao mò để trả cho Lan mà không thấy". Nói rồi Trường lại nức nở.
 
Chiếc nhẫn vàng thời đó là vật rất có giá trị. Tôi vẫn bình tĩnh bảo cậu ta: "Vì vậy nên em bị cảm chứ gì? Thôi trước mắt bảo mấy bạn đi đun một nồi lá xông đã. Việc chiếc nhẫn khi nào em khỏi, tôi, em và Ngọc Lan sẽ giải quyết". Tôi biết chắc chiếc nhẫn nhỏ ném xuống ao bùn thế kia thì không cách gì tìm thấy được. Song điều đáng nói ở đây là Trường đã thật thà kể ra tất cả tội lỗi cũng như tâm trạng của mình. Tôi thấy cậu đáng thương nhiều hơn đáng trách. Đời người ai tránh khỏi lỗi lầm. Vấn đề là có trung thực với bản thân mình không. Bấy giờ mà đưa Trường ra kỷ luật cũng không ích gì, nên tôi giữ kín chuyện này và cuối cùng đi đến một quyết định. Vào chủ nhật, lúc Trường đã khỏe lại, tôi, Trường và Ngọc Lan cùng về Hà Nội. Tôi lấy chiếc nhẫn mà mẹ tôi tặng cho tôi ngày đi lấy chồng ra Hàng Bạc đánh thành chiếc nhẫn mới, có chữ song hỷ, giống chiếc nhẫn Tùng đã tặng Lan. Tôi phải thuyết phục rất nhiều cộng với sự hối hận vô bờ bến của Trường, Lan mới nhận.
 
Rồi ngày thi cuối cấp cũng qua. Các học sinh như những cánh chim đã trưởng thành, mỗi người sẽ bay một hướng: người vào chiến trường, người vào giảng đường đại học, một số được đi du học nước ngoài. Những ngày chia tay thật bịn rịn, nhiều nụ cười và cũng lắm nước mắt.
 
Tối hôm đó, khoảng mười giờ, tôi đang ngồi ghi học bạ với Trường trong cương vị trưởng lớp thì thấy Ngọc Lan quần áo bê bết bùn đất nức nở chạy vào. Tôi biết là có chuyện, nhẹ nhàng bảo: "Có gì thì em cứ từ từ nói". Lan càng nức nở hơn, còn Trường thì ngồi ngây ra như ông phỗng. Mãi một lúc sau Lan mới thốt được câu đầu tiên: "Tùng đòi quan hệ với em... Em không đồng ý... hẹn đến ngày cưới. Tùng bảo Tùng sắp đi du học rồi, chiều Tùng một tí... Em vẫn không đồng ý. Thế là Tùng vật nhau với em. Em thoát ra được. Bực quá em tháo nhẫn ra trả lại Tùng. Nhưng cô ơi, cô biết không...". Nói đến đây, Lan càng khóc to hơn, khiến Trường sốt ruột: "Rồi sao... rồi sao...?". Lan trả lời trong tiếng nấc: "Tùng nhận lại. Nhưng bỗng nhiên anh ta thẳng tay ném nhẫn xuống chân đê. Rồi anh ta bảo: Cô tưởng tôi tặng cô nhẫn thật đấy à? Cái thứ đồ chơi ấy bán đầy ở các hàng xén trên Hàng Đào...". Em tát vào mặt anh ta và chửi đồ khốn nạn... Rồi em chạy về đây...". Tôi nghe Lan kể mà lặng cả người. Nhưng mơ hồ tôi nghe tiếng Lan hỏi: "Còn cái nhẫn thì làm thế nào hả cô? Chiếc nhẫn thật mẹ cô tặng cô ấy?". Tôi an ủi Lan, cũng là an ủi Trường và bản thân mình: "Thôi em ạ. Cái chính là ta biết được lòng người".
Sau sự việc đó, Ngọc Lan có phần thân thiết với Trường. Khoảng nửa tháng sau thì Trường nhập ngũ, dù cậu ta là con liệt sĩ có tiêu chuẩn du học nước ngoài. Trước ngày lên đường, Trường đến trồng trước cửa nhà Lan một cây ngọc lan con. Trường nói với Lan: "Cậu ở nhà chăm sóc cây giúp mình. Nếu cây sống thì mình trở về...". Cái cây ngọc lan đó giờ đã trở thành một cây cổ thụ, còn Trường sau tám năm làm lính công binh mở đường Trường Sơn cũng đã về, là thương binh...
 
- Và kết thúc có hậu là Trường và Ngọc Lan cưới nhau? - Anh chàng phóng viên nhanh nhảu hỏi, không để ý giọng bà giáo già đã trầm xuống.
- Độ mươi năm trở lại đây, các cô cậu 10C cũ đều tổ chức hội lớp, chuyện cũ, chuyện mới, chuyện ta, chuyện tây đủ cả, nhưng cuối cùng rồi cũng trở về với chuyện Trường và Ngọc Lan. Có lần, một cậu đã đưa ra câu hỏi: "Nếu Ngọc Lan còn sống, chẳng biết nó có lấy thằng Trường trâu không nhỉ?". Tất cả lặng đi. Một câu hỏi không ai dám trả lời.
Ngày ấy các cô cậu học sinh mười tám, hai mươi của tôi thường chuyền tay nhau đọc Màu tím hoa simNúi đôi. Cả hai bài thơ đều đại để là Sao không mất chàng trai nơi tiền tuyến... lại chết cô gái trẻ ở hậu phương... Tôi lấy nhà tôi dường như không có tình yêu, hay nói đúng hơn là tình yêu nằm ở sự kính trọng của tôi với ông. Ông hơn tôi một giáp và là một nhà khoa học. Đọc xong các bài thơ trên, tôi cũng thấy nao nao kỳ lạ, song tôi đã mắng át lũ trẻ: "Các nhà thơ khéo bịa chuyện để đánh vào tình cảm của thanh niên. Sao các cô các cậu không tìm đọc Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ hay Hãy nhớ lấy lời tôi của Tố Hữu?". Chúng nó cứ nhe răng ra cười tôi, nhưng rồi sự thật mà tôi cho là các nhà thơ bịa ra lại vận vào đúng Ngọc Lan.
Vào cái buổi chạng vạng hôm ấy, Ngọc Lan đi xe đạp từ nhà lên nơi sơ tán của đại học Y khoa. Qua thị xã Bắc Giang, cả tốp ngồi nghỉ trong một công viên ngoại ô. Bỗng có tiếng máy bay ào ào trên đầu và rồi một loạt tiếng nổ. Mọi người không ai hề hấn gì nhưng Ngọc Lan lại ngã vật từ trên ghế đá xuống đất, lay gọi thế nào cũng không tỉnh. Đưa vào bệnh viện thì hỡi ôi, mọi người mới té ngửa ra là Ngọc Lan đã chết vì một viên bi - từ loạt bom bi máy bay Mỹ thả xuống, đúng vào tim...
 
Trường trở về cứ ôm cây ngọc lan mà khóc. Chiến tranh là thế, oái oăm quá... Thực ra Trường suốt tám năm ở Trường Sơn làm gì, lúc đầu tôi và học sinh lớp 10C cũng không rõ. Dần dần, mọi thứ mới hé ra. Trường được biên chế vào đại đội xe máy chuyên mở đường và san lấp hố bom. Trong đại đội có đến già nửa là thanh niên xung phong nữ. Sau một đêm lái xe ủi cật lực, Trường tắm suối rồi về lán. Bỗng Trường nghe thấy tiếng khóc tắc nghẹn: "Tôi không biết, anh đã cưỡng bức tôi. Giờ anh làm thế nào thì làm". Đấy là tiếng cô Bông cấp dưỡng. Tiếp đó là tiếng dỗ dành của chính trị viên đại đội: "Em cứ nghe anh. Em uống mười viên ký ninh này đi là ổn hết. Xong rồi, sắp tới có lớp y sĩ, anh sẽ làm quyết định để em đi học... rồi xin ra Bắc luôn. Đại đội sắp được phong anh hùng, chuyện này vỡ lở ra thì hỏng hết". Sau đó Trường nghe thấy tiếng ằng ặc như tiếng người bị bóp cổ, tiếng nước bị phun ra và tiếng sặc sụa... Trường nín thở chạy ào lên dốc. Chiếc dép còn ướt tuột quai khiến Trường ngã oạch một phát. Từ trong bụi cây, chính trị viên đại đội nhảy ra, tay lăm lăm khẩu K54: "Giơ tay lên!". Trường lóp ngóp bò dậy, hai tay đưa lên đầu, miệng ấp úng: "Tôi! Trường đây! Tôi chỉ vô tình, tôi không chủ ý...". Mấy ngày sau, tay chính trị viên đến lán Trường tán tỉnh, hứa cho Trường đi học sĩ quan. Trường chỉ im lặng.
Nhưng chuyện đời có nhiều cái éo le. Cái thai của cô Bông dù uống đến mười viên ký ninh vẫn không chịu ra, bụng cô mỗi lúc một phình to. Chẳng hiểu nghĩ thế nào mà tay chính trị viên ấy lại xử sự như thế. Buổi tối trước lúc xuất quân mở đường, hắn tập hợp đại đội, lôi Bông ra vặn vẹo bắt cô phải khai cái thai trong bụng là do quan hệ với ai. Từ một chỗ khuất, Trường chầm chậm bước ra... Mọi người ồ lên. Bông thổn thức: "Anh Trường, em xin anh... Anh đừng nói ra chuyện đó...". Không nói gì, Trường trừng trừng tiến sát tới gã chính trị viên. Gã rút phăng khẩu K54 ra, hét lên: "Mày! Biết thế hôm đó tao cho mày một phát đạn...". Trường chưa kịp vung tay thì hắn đã ù té chạy, vừa chạy vừa gào thét: "Hết rồi... Hết rồi...".
Chiến cuộc đông xuân 1974-1975, những đường mòn Trường Sơn được mở rộng thông nhau từ đông sang tây. Đại đội công binh của Trường lầm lũi ngày đêm tiến lên phía trước, sâu vào những cánh rừng nguyên sơ... Thế rồi có tin báo, quanh khu vực mở đường của đại đội đã xuất hiện voi rừng. Thật trớ trêu, người đầu tiên chạm trán với voi rừng lại là Trường. Vừa nhảy từ xe ủi xuống, đi ngược lại đoạn đường mới mở, Trường bỗng thấy ào ào như rừng có lốc. Ngước lên đã thấy lừng lững những thân hình khổng lồ, da mốc thếch. Không còn đường để lui hay tới, Trường dựa lưng vào ta-luy mới mở, nhắm nghiền mắt, toàn thân như đóng băng. Con voi đầu đàn dùng vòi đánh hơi suốt từ mặt xuống chân Trường... rồi nó đú lên một tiếng và dẫn cả đàn rầm rập bỏ đi.
Chuyện Trường gặp voi mà chẳng hề hấn gì loan khắp đơn vị. Một già bản đã giải thích cho mọi người rằng: "Voi nó khôn lắm, nó đánh hơi. Nó ngửi và biết được mùi người... Gặp người thật thà là nó bỏ đi. Còn gặp kẻ dối trá là nó quật chết liền". Ông già còn kể: "Có một chủ voi bán voi cho người khác. Sau khi ngửi mùi người mua, nó nhất định không chịu theo. Rồi đêm đó, nó dứt xích. Trước khi bỏ về rừng, nó dứt cặp ngà ra, đặt ngay ngắn giữa bậu cửa nhà người chủ cũ...".
Trong cuộc đời dạy học hơn ba chục năm của tôi, tôi không có được học sinh nào nổi tiếng đến mức cả nước biết tiếng tăm. Nhưng cũng không có học sinh nào bị xã hội lên án hoặc rơi vào vòng lao lý. Bởi tôi luôn luôn nhắc nhở học trò là, làm gì thì làm, ở đâu thì ở, cũng phải giữ được tính thật thà trung thực với bản thân mình.
Hòa bình lập lại, Trường xuất ngũ và học kỹ sư xây dựng. Bây giờ cậu ấy là thanh tra viên cục giám định. Mấy tháng trước báo đài ầm ĩ chuyện rút ruột công trình xây dựng nhà cao tầng, là do Trường phát hiện. Phía bên kia mua chuộc thế nào cậu cũng không thỏa hiệp. Hôm hội lớp vừa rồi lũ bạn trêu "10C chúng mình chả đứa nào được lên vô tuyến, chỉ Trường trâu được lên hình, được phỏng vấn đến mười lăm phút mà cứ lúng búng như ngậm hột thị. Còn thằng Trần Tùng, hơn chục năm nay đã thành nhạc sĩ rất ăn khách. Mỗi lần lên ti vi nó đều nhắc đến thời phổ thông, đến công ơn cô hiệu phó Thùy Mai, rằng nhờ cô ấy nên nó mới có ngày nay". Tôi phải gạt đi, vì tôi biết Trần Tùng chẳng qua mượn danh gia đình cô Thùy Mai để đánh bóng tên tuổi của mình. Cậu Huyền láu cá nhất 10C vội chữa lại: "Thế cô và các cậu có biết chuyện mới nhất của Trần Tùng chưa? Hắn đang bị các báo tố là đạo nhạc đấy". Tôi chả hiểu đạo nhạc là gì thì cả bọn cười rũ ra: "Thưa cô, đạo nhạc là ăn cắp nhạc của người khác ạ". Tôi nghiêm giọng: "Báo chí sao cứ hay hoa mỹ. Ăn cắp thì cứ gọi béng là ăn cắp, lại còn đạo với chả điếc". Chúng nó lại cười bò ra.
 
- Về sau thì anh học sinh tên Trường có lấy ai không ạ? - Chàng phóng viên rụt rè hỏi.
- Trường lấy vợ muộn. Mà lạ lắm, cậu ta lấy cái cô Bông ở Trường Sơn trước đây. Họ có hai con. Thằng lớn là con của tay chính trị viên, đang làm tiến sĩ ở Mỹ. Còn đứa con gái thứ hai mới là con của Trường. Trường xin phép vợ đặt tên con gái là Ngọc Lan. Không giỗ nào của Lan, Trường không đưa vợ và con gái đến thắp hương...
- Thế còn tay chính trị viên? - Anh chàng phóng viên hỏi thêm.
- Không thấy ai nhắc gì đến cái anh này...
 
Câu chuyện của bà giáo già với anh phóng viên đến đây thì cũng vào lúc thầy hiệu trưởng đi họp về. Anh chàng phóng viên trẻ chỉ làm việc qua loa với thầy, vì thay vì viết bài phóng sự về chuyện trường lớp thì anh sẽ kể lại câu chuyện của bà giáo già...
 
B.V.S

Nguồn tin: TCNV 05-2012

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương

www.tantien.mov.mn

About this page ι Sitemap ι Contacts

Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge  

Tự tạo website với Webmienphi.vn