Trong những năm đây, sản xuất nông nghiệp của huyện Gia Lộc có nhiều chuyền biến lớn, thể hiện qua sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, có nhiều cánh đồng chuyên canh cây hàng hóa đạt giá trị kinh tế cao, thu được thắng lợi lớn cả về năng suất và sản lượng lúa....Đó là kết quả của việc đưa máy móc vào đồng ruộng đã góp phần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, giải phóng sức lao động của người nông dân đồng thời tạo điều kiện cho các địa phương trong huyện xây dựng diện mạo nông thôn mới.
Về Gia Lộc những ngày này, khi bà con nông dân đang chuẩn bị bước vào vụ lúa chiêm xuân, trên những cánh đồng rộng lớn, chúng tôi được thấy những chiếc máy cày đang hì hục làm đất. Có thể nói, hiện nay hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” và vai trò con trâu truyền thống có vai trò “ đầu cơ nghiệp” đang mất dần, trong khi đó hình ảnh “con trâu sắt” ngày càng tăng nhanh, rõ nét. Việc thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất đã góp phần giảm sức lao động cho người nông dân, là khâu quyết định đến việc bảo đảm thời vụ và tăng hệ số sử dụng ruộng đất lên nhiều lần.
Khâu gieo cấy lúa mất nhiều công đoạn, thời gian và công lao động cũng được bà con nông dân các địa phương thay thế bằng công cụ gieo thẳng lúa bằng giàn sạ hàng đạt hiệu quả kinh tế cao, được nông dân chấp nhận. Nhờ cơ giới hóa trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chi phí khâu làm đất, khâu gieo mạ, thuê công lao động giảm đi rõ rệt, không những vậy khâu thu hoạch trong hai năm trở lại đây được người nông dân đưa vào sử dụng đó là máy gặt đập liên hợp (vừa gặt và tuốt lúa). Việc sử dụng máy gặt đập liên hoàn trên đồng đất Gia Lộc đã khẳng định bà con nông dân Gia Lộc dần hoàn thiện cơ giới hóa trong các khâu từ sản xuất đến khâu thu hoạch
Ông Đỗ Văn Sáng, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: Một trong những yếu tố thành công của việc tăng vòng quay của đất, hệ số sử dụng đất của huyện Gia Lộc cao hơn nhiều địa phương khác trong tỉnh do thâm canh tăng vụ, sử dụng máy móc trong các khâu làm đất, gieo cấy, tưới tiêu, thu hoạch và việc áp dụng tiến bộ khoa học vào trong sản xuất như các giống mới, cây trồng mới. Toàn huyện hiện có khoảng 297 máy làm đất với tổng công suất 4.990 mã lực, tổng diện tích làm đất bằng máy là 15.920ha, có 117 trạm bơm, 227 máy bơm nước lớn nhỏ với tổng công suất là 279.000m3/h, gần 20 máy gieo thẳng lúa giàn sạ hàng, có 5 máy gặt đập liên hợp. Toàn huyện có 95 hộ đầu tư các phương tiện vận tải cỡ lớn tham gia tiêu thụ nông sản, với 95.570 tấn.
Tiếp chúng tôi, ông Lã Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Đồng Quang cho biết: Những năm gần đây, xã tích cực vận động nông dân ứng dụng cơ giới hoá vào sản xuất. Toàn xã có hơn 351,2 ha đất nông nghiệp. Hiện nay, xã có khoảng 20 máy làm đất lớn, nhỏ, bảo đảm làm đất cho gần 90% diện tích gieo trồng. Đồng Quang là xã chuyên canh đất trồng lúa, thu nhập chủ yếu của bà con nông dân chủ yếu từ nông nghiệp. Những năm gần đây, lực lượng lao động tại chỗ thường xuyên thiếu hụt, một bộ phận lao động nông thôn đi làm thuê tại các khu công nghiệp nên việc sử dụng các loại máy làm đất, máy bơm nhỏ, máy gặt đập liên hợp đã đóng vai trò quan trọng, bảo đảm lịch thời vụ, giải phóng sức lao động cho nông dân, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Đặc biệt, vụ chiêm năm 2011, hộ gia đình ông Trương Đình Phóng, thôn An Thư đã mua máy gặt đập liên hợp, nên khâu thu hoạch lúa của bà con nông dân trong xã được nhanh chóng.
Theo tính toán của các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và nhiều hộ sản xuất, việc sử dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã đem lại thắng lợi mùa vụ, mở rộng diện tích cây trồng và nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích so với làm thủ công gấp nhiều lần. Như khi sử dụng máy làm đất thay thế hình ảnh “con trâu” đã giảm sức lao động, rút ngắn thời gian làm đất chỉ trong 10 ngày; Sử dụng công cụ gieo thẳng lúa bằng công cụ sạ hàng giảm tối đa lực lượng lao động và chi phí sản xuất, không mất công làm đất gieo, nhổ mạ, cấy lúa....hay sự xuất hiện máy gặt đập liên hợp (cắt và tuất lúa, làm sạch) vào phục vụ sản xuất.
Ông Vũ Văn Cấp, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Gia Lộc là huyện có truyền thống sản xuất nông nghiệp, có hệ số quay vòng đất trên 2,9 lần/năm, gieo cấy tập trung, thời gian ngắn, sản xuất tương đối cập dập, số máy làm đất trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu. Thực hiện Quyết định số 1161 của UBND tỉnh về chương trình cho vay "hỗ trợ đầu tư cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2008-2010", Hội Nông dân huyện đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, thẩm định, giải ngân nguồn vốn vay cho các hộ nông dân có nhu cầu mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong 3 năm thực hiện đề án hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã tạo điều kiện cho công tác làm đất nhanh, tăng năng suất lao động, giảm giá thành, đảm bảo lịch thời vụ nhất là sản xuất vụ mùa, thuận lợi cho việc áp dụng các tiến bộ khoa học mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản phẩm, đồng thời giúp cho nông dân có vốn để mở thêm nghề mới, tăng thu nhập, từng bước giảm bớt sức lao động, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Ông Cấp chia sẻ: Trước khi chưa có đề án "hỗ trợ đầu tư cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2008-2010", huyện Gia Lộc có rất ít máy làm đất nên nông dân thường bị các chủ máy ép giá, công tác làm đất chậm, nhiều khi không đảm bảo lịch thời vụ, chi phí làm đất cao. Sau 3 năm thực hiện Đề án, toàn huyện đã có 16/23 cơ sở Hội, 81 gia đình hội viên mua tổng số 87 máy (trong đó có 9 xe ô tô tải nhẹ), giá thành làm đất giảm từ 15.000-35.000 đồng/sào/vụ. cơ cấu cây trồng, lịch thời vụ đảm bảo, góp phần đưa diện tích gieo cấy làm đất bằng máy trong toàn huyện đạt 98,9% diện tích.
Một số xã điển hình trong đầu tư cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp là: thị trấn Gia Lộc, Đồng Quang, Thống Nhất, Toàn Thắng, Trùng Khánh, Yết Kiêu... Việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần quan trọng giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, tạo cơ hội để phát triển các mô hình kinh tế, các vùng chuyên canh trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất lúa chỉ mới tập trung thực hiện được khâu làm đất còn lại khâu cấy cơ bản vẫn theo phương pháp gieo cấy truyền thống; các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản chủ yếu do các hộ nông dân trực tiếp tổ chức thực hiện theo phương pháp thủ công, quy mô hộ gia đình. Máy cày làm đất chủ yếu là các loại máy có công suất nhỏ, nhỡ. Máy gặt đập liên hợp còn ít, chủ yếu vẫn gặt bằng tay, hoạt động dịch vụ của các hộ làm cơ giới hoá hiệu quả còn chưa cao. Ngoài ra, do ruộng đất chia cho các hộ sản xuất rất manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến việc sản xuất của nông dân không tập trung, việc thu hoạch lúa không đồng bộ đã gây khó khăn cho việc thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Cũng từ đây dẫn đến việc cơ giới hóa trong sản xuất trước, trong và sau thu hoạch được đầu tư chưa đồng bộ, công suất các loại máy chưa đáp ứng yêu cầu của CNH, HĐH. Các điều kiện cần thiết cho phát triển cơ giới hóa hạn chế, như ruộng đất còn manh mún, hạ tầng giao thông đồng ruộng chưa phù hợp, nông dân thiếu vốn và tính hợp tác chưa cao.
Trong thời gian tới, Gia Lộc tập trung giải quyết việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh; thực hiện nhanh việc dồn điền, đổi thửa, quy hoạch giao thông nội đồng, cứng hóa mặt đường. Đồng thời thiết lập hệ thống mạng lưới các cơ sở bảo hành, sửa chữa máy rộng khắp các địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu thay thế, sửa chữa máy thuận lợi nhất cho người sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp ở địa phương. Cùng với đó huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, nhất là vùng sản xuất hàng hóa, tiếp tục thực hiện Chương trình cơ giới hóa kênh mương và phát triển thủy lợi.
Từ thực tế tình hình cơ giới hoá tại huyện Gia Lộc cho thấy, đẩy mạnh cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp không chỉ giải bài toán về lao động, giảm chi phí, yếu tố quan trọng hơn cả đó là tạo ra các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn.
Nguyễn Thị Thuận
Bài đăng trên tạp chí KHCN&MT số 1/2012
2012-06-02 11:16:31
Cung cấp thông tin cho Tân Tiến Online vui lòng gửi về nguoitantien@gmail.com