Đăng nhập


08-06-2017 21:24

Thanh niên hành khúc là một ca khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Bài hát này đã bị sử dụng trái phép (không có sự đồng ý của tác giả), sửa đổi một chút lời để thành bài Tiếng gọi công dân - quốc ca của Quốc gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng hòa từ 1948 đến 1975.


Tôi là dân Sài Gòn chính hiệu và trong một bài viết trước đây tôi có đăng giấy biên nhận chứng sinh của Bịnh Viện Từ Dũ – nay là Bịnh Viện Phụ Sản Thành phố Hồ Chí Minh – vì tôi luôn luôn nói có sách, mách có chứng, không nhận bừa mà cũng chẳng thấy sang bắt quàng làm họ.

Là người yêu nước – tất nhiên lúc ấy là yêu nước Việt Nam Cộng Hòa – tôi hãnh diện cất cao tiếng hát như sấm dậy của mình (tôi luôn là trưởng lớp suốt 5 năm tiểu học và 7 năm trung học nên luôn ở vị trí đầu tiên của hàng ngũ lớp mình) mỗi khi trường cử bản quốc thiều, thượng lá quốc kỳ, vang dội lời quốc ca. Bài quốc ca oai hùng của Việt Nam Cộng Hòa là tác phẩm của Lưu Hữu Phước từng được biết đến qua nhiều cái tên như Sinh Viên Hành Khúc, Tiếng Gọi Sinh Viên, Thanh Niên Hành Khúc, Tiếng Gọi Thanh Niên, hay Tiếng Gọi Công Dân, hoặc Quốc Dân Hành Khúc.

Tôi và nhiều người thời tôi từng lấy làm lạ vì sao Việt Nam Cộng Hòa lại chọn một bài ca của Lưu Hữu Phước – một người cộng sản – làm bản quốc ca. Tất nhiên, chúng tôi ai cũng đều tìm ra câu trả lời chính xác: đó là Việt Nam Cộng Hòa bất tài vô dụng không thể có ai sáng tác được bản nhạc nào có tầm cỡ hùng tráng tương tự. Thủa ấy, tôi nói riêng với các bạn học thân thiết của mình là Việt Nam Cộng Hòa rồi sẽ mất nước vì nhạc của Việt Nam Cộng Hòa là nhạc mất nước: thứ nhạc vàng èo uột nhũn mềm sến đặc quê mùa, không sao sánh được với nhạc giải phóng mà tôi lén bắt đài radio nghe hàng đêm.

Việt Nam Cộng Hòa cũng biết thân biết phận, nhất là bị Lưu Hữu Phước ngoài Bắc cười cợt nhạo báng chê bai vì đã tự ý sử dụng bản nhạc mà không được phép của tác giả, nên cũng cố gắng bày ra cuộc vận động sáng tác quốc ca, và bài dự thi ghê gớm nhất là của Phạm Duy với ca từ quái gở vì như đứa bé cà lăm nói mãi hai chữ Việt Nam, nên xem như thất bại triệt để, hoàn toàn. Mà Phạm Duy là ai chứ? Kẻ đã viết Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc nội cái tên nghe đã rất “cải lương”, với lời ca ai oán rỉ rên dành cho cái anh phi công tên Phạm Phú Quốc đã “hy sinh” khi lái chiếc Skyrider bay ném bom Miền Bắc, nghe thật không sao sánh được với những bài của phe cộng sản chẳng hạn như bài về Nguyễn Viết Xuân hực hừng khí thế.

Trở lại đề tài chính của bài này: mới đây có bạn gởi tôi một bài viết của một kẻ tên gì đó mang slogan khẩu khí sủng nước kiểu Phạm Duy: “chúng tôi không phải những con cừu”. Hắn viết rằng khi Lưu Hữu Phước sáng tác bài ấy, Lưu Hữu Phước chưa là đảng viên cộng sản. Rồi hắn viện ra vài thí dụ về quốc ca nước này nước nọ toàn là của những tác giả sau đó theo “phe” khác, đâu có sao. Đây là kiểu lập luận gàn dở gàn bướng và càn quấy của kẻ thất học. Làm gì có công thức “cộng sản = xấu xa”! Làm gì có chuyện “viết ra trước khi theo cộng sản = rất tốt đẹp nên cứ tự tiện xài chùa”! Cái logic của người không bị tâm thần luôn là: chính vì tâm trong sáng, hừng hực khí thế vì nước vì dân, đầy nhiệt huyết lý tưởng cách mạng cộng với thực tài nên Lưu Hữu Phước mới viết nên những tác phẩm vĩ đại đến dường ấy, và chính sự trong sáng, hừng hực, lý tưởng vì nước vì dân ấy đã đưa đường dẫn lối cho chính Lưu Hữu Phước cùng tất cả những người con ưu tú của Việt Nam về với Cộng Sản. Đây là lý do Việt Nam Cộng Hòa không còn ai có tâm trong sáng, hừng hực khí thế vì nước vì dân, đầy nhiệt huyết lý tưởng cách mạng cộng với thực tài nên dù muối mặt chiếm hữu bài ca hừng hực khí thế của Lưu Hữu Phước cũng không động viên được bất kỳ ai trong nước Việt Nam Cộng Hòa để rồi rốt cuộc Việt Nam Cộng Hòa phải sụp đổ hoàn toàn đầy nhục nhã mà lịch sử nhân loại chưa từng chứng kiến.

Còn khi tự chọn cái slogan xuẩn ngốc trên, kẻ ngu muội cố gắng trong tuyệt vọng biện minh cho vì sao Việt Nam Cộng Hòa có bài quốc ca là của nhạc sĩ cộng sản đã hoàn toàn không biết gì về loài cừu. Nhân đây, tôi xin nói về loài cừu mà dường như trên đời này chưa ai từng nêu ra cả:

– cừu là giống vật sống trong đoàn thể một cách độc lập: cả đàn khi được thả vào khu vực nào đó là con nào cũng tự động tách ra đi xa hàng cây số, một mình chiếm lĩnh những đỉnh hay sườn đồi cao, đứng nhìn bao quát

– cừu là giống vật sống trong đoàn thể một cách độc lập, nên dù tách riêng ra đứng một mình một cõi cách đó nhiều cây số, khi từ xa thấy con đầu đàn đứng lên lửng thửng trở về khu trại là tất cả cũng đứng dậy thoăn thoắt nhanh chân chạy về nhập đàn

– cừu là giống vật sống tự lập, bản lĩnh, dày dạn gió sương, vì cừu khỏe mạnh, mưa gió không làm ướt lông cừu, và cừu không bao giờ cần trú trong chuồng, đây là lý do gần đây các nhà mỹ phẩm học đã lấy thứ dầu chiết xuất từ lông cừu và nhau cừu để chế tạo các mỹ phẩm sắc đẹp đắt tiền cho phụ nữ sang trọng

– cừu là giống vật hiền lành vì cừu không có các hàm răng mà chỉ thuần có nướu răng

– vì tất cả những nét đẹp hào hùng độc đáo trên, cừu đã được New Zealand tự hào gọi mình là Sheep Country – Xứ Sở Cừu.

Trong tôn giáo nào đó người ta đã dùng hình tượng “con chiên”, nhưng những người hùng biện thì nhạo báng rằng hóa ra sự chăn dắt là để cạo lông lấy thịt. Chắc vì vậy mà tay viết blog đó mới khẳng khái rặn ra câu slogan rằng “chúng tôi không phải là những con cừu” với ý ám chỉ rằng mấy ông cộng sản – chứ không phải mấy nhà tu hành – đừng hòng lấy thịt cạo lông. Song, như đã nói chính xác ở trên về giống cừu, té ra cái anh viết blog đã ngu xuẩn tự nhận mình không như cừu nghĩa là không sống trong đoàn thể một cách độc lập; không tự lập, bản lĩnh, dạn dày sương gió; không khỏe mạnh, và không hiền lành vì có toàn răng hàm cá mập chăng. Muốn ví von ta đây là con gì thì cứ chọn lựa rồi ví von, chứ kiểu nói “ta chẳng là cứu” thì chỉ tổ làm người khác vặn vẹo rằng vậy chắc anh là giun là gián là muỗi là lăng quăng hoặc là con cù lần.

Ngay cả viết về con vật tốt đẹp trọn vẹn như cừu mà còn viết bừa về nó như thế, thì cách chi mà viết đúng về Lưu Hữu Phước, bậc kỳ tài thiên cổ hùng anh của Việt Nam cơ chứ.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Kết quả hình ảnh cho Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Hoàng Hữu Phước (sinh 1957) là một cựu giáo viên, doanh nhân người Việt. Ông từng là một đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII thuộc đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh, được biết nhiều với những phát biểu gây sốc và công kích cá nhân các nghị sĩ đồng nghiệp.

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương

www.tantien.mov.mn

About this page ι Sitemap ι Contacts

Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge  

Tự tạo website với Webmienphi.vn