02-10-2015 12:42
Sau nửa thế kỷ nghiên cứu và khám phá sao Hỏa, các nhà khoa học vũ trụ đạt được bước tiến quan trọng khi phát hiện có nước chảy trên bề mặt hành tinh đỏ.
1965
Ngày 28/11/1964, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng thành công tàu vũ trụ Mariner 4. Con tàu bay quanh sao Hỏa vào ngày 14/7/1965, cung cấp những bức ảnh cận cảnh đầu tiên về miệng núi lửa trên hành tinh đỏ. Nó cũng thu thập dữ liệu chính xác hơn về sao Hỏa với áp suất khí quyển ở bề mặt bằng 1% so với Trái Đất và nhiệt độ ban ngày -100°C.
Mariner 4 là tàu vũ trụ đầu tiên bay qua sao Hỏa. Ảnh: NASA. |
Hình cận cảnh những miệng núi lửa trên sao Hỏa do tàu Mariner 4 chụp. Ảnh:NASA. |
1971
Năm 1971, tàu Mariner 9 của NASA trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tiến vào quỹ đạo sao Hỏa. Những bức ảnh do tàu Mariner 9 gửi về Trái Đất cung cấp bằng chứng chi tiết cho thấy nước có thể từng chảy trên bề mặt hành tinh này.
Mariner 9 trở thành tàu vũ trụ đầu tiên tiến vào quỹ đạo sao Hỏa. Ảnh: NASA. |
Một ảnh chụp bề mặt sao Hỏa của tàu Meriner 9. Ảnh: NASA. |
1976
Năm 1975, NASA triển khai chương trình Viking. Tàu Viking 1 và 2 đổ bộ và vận hành thành công trên bề mặt sao Hỏa vào năm 1976. Dữ liệu thu được cho thấy dấu vết của những dòng nước lớn chảy hàng ngàn km, tạo ra những thung lũng cũng như đường rãnh ăn sâu vào nền đá. Một số dấu vết ở bán cầu nam sao Hỏa cho thấy mưa có thể từng rơi trên hành tinh.
Tàu Viking 1 đổ bộ lên sao Hỏa vào năm 1976. Ảnh: NASA. |
Bức ảnh màu đầu tiên về bề mặt sao Hỏa được tàu Viking 1 chụp vào ngày 21/7/1976. Ảnh: NASA. |
1997
Tàu vũ trụ Mars Pathfinder của NASA đưa một thiết bị đổ bộ và robot thám hiểm mang tên Sojourner lên bề mặt sao Hỏa. Tàu được phóng vào ngày 4/12/1996 và hạ cánh trên sao Hỏa ngày 4/7/1997. Dữ liệu do tàu gửi về gồm 16.500 bức ảnh và 8,5 triệu phép đo áp suất khí quyển, nhiệt độ và sức gió của sao Hỏa.
Robot Sojourner vận hành trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA. |
Ảnh chụp khu vực xung quanh nơi hạ cánh của tàu Mars Pathfinder. Ảnh: NASA. |
2001
Năm 2001, tàu Mars Odyssey của NASA bay vào quỹ đạo sao Hỏa, mang theo phổ kế và máy ảnh nhằm tìm bằng chứng về sự tồn tại của nước ở quá khứ hoặc hiện tại và hoạt động núi lửa trên sao Hỏa. Năm 2002, phổ kế tia gamma và neutron trên tàu phát hiện lượng lớn hydro, cho thấy có những mỏ băng lớn dưới bề mặt sao Hỏa ở gần cực nam.
Tàu Mars Odyssey phát hiện có những mỏ băng lớn gần cực nam sao Hỏa. Ảnh:NASA. |
Ảnh chụp khu vực địa hình mang tên Noctis Labyrinthus, tạo thành do sự kéo căng và đứt gãy của lớp vỏ sao Hỏa. Ảnh: NASA. |
2003
Ngày 2/6/2003, tàu quỹ đạo Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) phóng lên từ bãi phóng Baikonur, Kazakhstan, đến sao Hỏa, mang theo thiết bị đổ bộ Beagle 2. Con tàu bay vào quỹ đạo sao Hỏa ngày 25/12/2003 và Beagle 2 tiến vào khí quyển của hành tinh cùng ngày trước khi bị mất liên lạc. Mars Express xác nhận sự tồn tại của nước băng và băng chứa CO2 ở cực bắc sao Hỏa, trong khi tàu thăm dò của NASA xác nhận sự tồn tại của chúng ở cực nam.
Tàu Mars Express xác nhận sự tồn tại của nước đóng băng và băng chứa cacbon dioxide ở cực nam sao Hỏa. Ảnh: EPA. |
Vùng lòng chảo Atlantis ở nam bán cầu của sao Hỏa. Ảnh: EPA. |
2006
Ngày 10/3/2006, tàu Mars Reconnaissance Orbiter (MRO) của NASA đi vào quỹ đạo sao Hỏa để thực hiện nhiệm vụ khảo sát kéo dài 2 năm. Con tàu đã vẽ bản đồ địa hình và khí hậu sao Hỏa nhằm tìm địa điểm đổ bộ phù hợp cho các sứ mệnh tương lai. Ngày 3/3/2008, NASA thông báo tàu MRO lần đầu tiên chụp được bức ảnh về một chuỗi hoạt động sạt lở đất đá gần cực bắc sao Hỏa.
Tàu Mars Reconnaissance Orbiter đã vẽ bản đồ địa hình và khí hậu sao Hỏa. Ảnh:NASA. |
Vết đứt gãy do kiến tạo địa chất ở khu vực Candor Chasma trên sao Hỏa. Ảnh:Wikipedia. |
2011
Tàu Mars Science Laboratory với robot tự hành Curiosity được NASA phóng vào ngày 26/11/2011 và hạ cánh trên sao Hỏa vào ngày 6/8/2012 ở đồng bằng Aeolis Palus thuộc miệng núi lửa Gale. Curiosity được thiết kế để thực hiện thí nghiệm với các mẫu đất đá lấy ở mũi khoan trên cánh tay robot. Một phát hiện quan trọng của Curiosity là xác nhận sao Hỏa từng có những điều kiệu môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn.
Robot Curiosity thu thập thành phần đất đá trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: Engadget. |
Một ảnh chụp toàn cảnh của robot Curiosity cho thấy những đụn cát hóa đá trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh: NASA. |
2014
Ngày 18/11/2013, NASA phóng tàu quỹ đạo MAVEN để nghiên cứu khí quyển tầng cao của sao Hỏa. Con tàu bay đến sao Hỏa vào ngày 22/9/2014. Trong cùng khoảng thời gian, Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ phóng tàu Mars Orbiter Mission (MOM) lên sao Hỏa. Tàu MOM tiến vào quỹ đạo sao Hỏa ngày 24/9/2014 và cũng nghiên cứu khí quyển sao Hỏa.
Tàu quỹ đạo MAVEN của NASA có nhiệm vụ nghiên cứu khí quyển tầng cao của sao Hỏa. Ảnh: NASA. |
Ấn Độ phóng thành công tàu Mars Orbiter Mission lên sao Hỏa. Ảnh: Wikipedia. |
2015
Thông qua ảnh chụp của tàu vũ trụ và phương pháp phân tích quang phổ, các nhà khoa học của NASA khẳng định trên bề mặt sao Hỏa tồn tại nước ở dạng lỏng. NASA chính thức công bố phát hiện này vào ngày 28/9. Đây là một bước ngoặt trong hành trình khám phá sao Hỏa của con người, mở ra hy vọng tìm thấy sự sống ở hành tinh đỏ. Theo kế hoạch, vào năm 2016, NASA sẽ gửi robot đổ bộ Insight trang bị một mũi khoan và máy đo địa chấn để xác định cấu trúc đất của sao Hỏa. Cơ quan Vũ trụ châu Âu cũng sẽ hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga phóng tàu thăm dò ExoMars vào năm 2018 để tìm kiếm dấu vết sinh học của sự sống trên sao Hỏa ở quá khứ hoặc hiện tại.
Những rãnh sẫm màu trên sao Hỏa có thể hình thành do nước lỏng chảy qua bề mặt. Ảnh: NASA. |
Hình minh họa robot Insight sử dụng máy đo địa chấn trên bề mặt sao Hỏa. Ảnh:NASA. |
Bản tin Mặt Trời - Cung cấp tin tức thiên văn học mới nhất và phổ biến kiến thức khoa học vũ trụ !
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương About this page ι Sitemap ι Contacts Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge |