Đăng nhập


11-09-2015 18:48

Đất đai Gia Lộc có gốc tích xa bồi, do sông Hồng và sông Thái Bình bồi tụ  tạo nên. Cốt đất cao, đất đai chủ yếu là đất thịt nhẹ, đất cát pha rất thuận lợi cho việc cấy lúa, gieo trồng rau màu và chăn nuôi. Do đất đai, khí hậu thuận lợi nên tổ tiên của người dân Gia Lộc về đây khai phá biến vùng đất hoang sơ thành ruộng đồng xây dựng nên xóm làng.

Gia Lộc là huyện cửa ngõ phía Nam của thành phố Hải Dương. Trung tâm huyên lỵ cách thành phố Hải Dương 10km; phía Bắc giáp thành phố Hải Dương, phía Đông giáp huyện Tứ Kỳ, phía Nam giáp huyện Ninh Giang, Thanh Miện, phía Tây giáp huyện Bình Giang, Thanh Miện. Chiều dài của huyện là 15km, chiều ngang ở phía Bắc rộng 10km. Diện tích tự nhiên toàn huyện là 122,15km2, dân số tính đến tháng 4 năm 2006 có 152.989 người.
         Đất đai Gia Lộc có gốc tích xa bồi, do sông Hồng và sông Thái Bình bồi tụ  tạo nên. Cốt đất cao, đất đai chủ yếu là đất thịt nhẹ, đất cát pha rất thuận lợi cho việc cấy lúa, gieo trồng rau màu và chăn nuôi. Do đất đai, khí hậu thuận lợi nên tổ tiên của người dân Gia Lộc về đây khai phá biến vùng đất hoang sơ thành ruộng đồng xây dựng nên xóm làng.
Căn cứ vào tài liệu khảo cổ học về mộ thuyền Đông Quan (Tân Hưng) và mộ quách gỗ (Gia Lương) cùng với các loại văn bia, thần phả, tộc phả… chứng tỏ rằng, cách đây khoảng 2.000 năm, Gia Lộc đã là nơi cư trú của người Việt.
         Huyện Gia Lộc Thời  Lý - Trần gọi là Trường Tân (Tràng Tân) thuộc phủ Hạ Hồng, rồi phủ Tân An, đến đời Lê lệ vào phủ Hạ Hồng, năm Gia Long thứ 8 (1809) có tên gọi là huyện Gia Lộc, thuộc phủ Ninh Giang sau đó là huyện Gia Lộc thuộc tỉnh Hải Dương. Toàn huyện lúc này có 9 tổng là: Thạch Khôi, Hội Xuyên, Bao Trung,  Lạc Thị, Đoàn Bái, Phương Duy, Thị Đức, Hậu Bổng và Đoàn Lâm gồm 78 xã, thôn.
         Sau cách mạng tháng Tám 1945, cấp tổng bị xoá bỏ hình thành cấp xã, mỗi xã bao gồm một số thôn. Gia Lộc có thêm xã Hoàng Diệu và  thôn Luỹ Dương, Xuân Dương  (Xã Gia Lương) do huyện Tứ Kỳ chuyển sang. Toàn huyện lúc này có 38 xã gồm 121 thôn. Trong kháng chiến chống Pháp số, xã thôn đều chỉnh lại có 21 xã gồm 114 thôn.
Năm 1956 bốn xã lớn được chia thành 8 xã nhỏ:
- Xã Nghĩa Hưng chia thành Nghĩa Hưng và Phương Hưng
- Xã Quốc Tuấn chia thành Gia Khánh và Gia Lương.
- Xã Kiên Trung chia thành Gia Tân và Gia Xuyên.
- xã Yết Kiêu chia thành Yết Kiêu và Gia Hoà.
         Toàn huyện lúc này có 25 xã, gồm 126 thôn Ngày 28-6-1994, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam ra Nghị định số 56/CP về việc thành lập thị trấn Gia Lộc trên cơ sở diện tích, dân số xã Nghĩa Hưng và thôn Phương Điếm (xã Phương Hưng). Như vậy từ năm 1994 đến nay, huyện Gia Lộc có 24 xã, một thị trấn gồm 129 thôn.
          Huyện lỵ Gia Lộc xưa đóng ở làng Lạc Thị (xã Lê Lợi), sau  chuyển về đóng ở làng Hội Xuyên (xã Nghĩa Hưng).
Ngày 26/1/1968, Uỷ Ban thường vụ Quốc Hội ra Nghị quyết số 504/NQ-TVQH về việc hợp nhất hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên lấy tên là tỉnh Hải Hưng, huyện Gia Lộc thuộc tỉnh Hải Hưng.
          Ngày 24/2/1979, Thường trực Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định số 70/CP về việc hợp nhất hai huyện Gia Lộc và Tứ Kỳ lấy tên là huyện Tứ Lộc, huyện lỵ được đặt tại lỵ sở Gia Lộc (thuộc địa bàn 2 xã Nghĩa Hưng và Phương Hưng cũ).
          Ngày 27/1/1996, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ra Nghị định số 05/CP về việc tách huyện Tứ Lộc để tái lập hai huyện cũ Gia Lộc và Tứ Kỳ. Ngày 1/3/1996, hai huyện bắt đầu làm việc theo đơn vị hành chính như trước khi hợp nhất. Trụ sở huyện Gia Lộc giữ nguyên vị trí cũ, nay là thị trấn Gia Lộc.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá IX (kỳ họp thứ 10), tháng 11-1996, tỉnh Hải Hưng chia tách để tái lập hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên, huyện Gia Lộc thuộc tỉnh Hải Dương.

         Gia Lộc có nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua. Đường 17A chạy từ Lục Ngạn (Bắc Giang) qua huyện Chí Linh, Nam Sách, thành phố Hải Dương, huyện Gia Lộc về tới thị trấn Ninh Giang. Đoạn qua huyện Gia Lộc dài khoảng 14km (chạy qua các xã Thạch Khôi, Gia Xuyên, Gia Tân, Thị trấn Gia Lộc, xã Hoàng Diêu, Hồng Hưng). Đường 38 (trong kháng chiến chống Pháp là đường 192) được bắt đầu từ ngã 3 thị trấn Gia Lộc đi qua thị trấn Thanh Miện sang tỉnh Hưng Yên, tỉnh Thái Bình. Đoạn qua Gia Lộc dài 11km (chạy qua thị trấn Gia Lộc, các xã Phương Hưng, Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Đồng Quang, Đức Xương, Quang Minh). Đường 20 đi từ Kẻ Sặt huyện Bình Giang, qua Thanh Miện tới Ninh Giang, đoạn qua 3 xã Nhật Tân, Quang Minh, Đức Xương dài 8km. Đường 62 m nối quốc lộ 5A đến ngã ba Gia Lộc.
         Ngoài ba con đường chính nói trên, Gia Lộc còn một số con đường khác như 39C, 39D, 191D… và nhiều đường giao thông liên xã, liên thôn nay được mở rộng nâng cấp, đường nhựa, bê tông thuận tiện cho giao lưu hàng hoá và đi lại.

        Về đường sông: Gia Lộc có nhiều sông chảy qua. Phía Bắc huyện có sông Kẻ Sặt là đường phân định địa giới tự nhiên giữa Gia Lộc và thành phố Hải Dương… phía Tây và Tây Nam có sông Đĩnh Đào bắt nguồn từ cống Bá Thuỷ chạy từ Tây Bắc xuống Tây Nam và Nam rồi đổ ra sông Thaí Bình dài 37km, đoạn chảy qua Gia Lộc dài khoảng 27km. Sông Đồng Tràng bắt nguồn từ sông Cống Câu chảy ra Cống Cầu Xe (Tứ Kỳ).
         Các con sông nói trên, tàu thuyền hàng trăm tấn có thể đi lại dễ dàng. Bên cạnh những con sông lớn, Gia Lộc còn có nhiều sông ngòi, mương lạch nhỏ thuận tiện cho việc tưới, tiêu, canh tác và sinh hoạt của nhân dân.
Tuy nhiên, do đặc điểm tự nhiên của các dòng sông, trước đây về mùa mưa lũ, thường có lụt lội làm thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
         Gia Lộc nằm ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, khí hậu mang tính chất   nhiệt đới, gió mùa, có 2 mùa tương đối rõ rệt: mùa nóng và mùa lạnh: mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa lạnh bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 230C; lượng mưa trung bình năm từ 1.400-1.600mm. Trước đây, do điều kiện thuỷ lợi chưa phát triển, phần lớn diện tích đất chỉ cấy lúa được một vụ, những năm thời tiết mưa thuận gió hoà, có một số nơi cấy được hai vụ, nhưng rất vất vả phải tát nước 2-3 bậc.
         Nhân dân Gia Lộc chủ yếu sống bằng nghề nông, đặc biệt là trồng trọt đã trở thành nghề chính của nhân dân địa phương. Từ xa xưa, nhân dân đã trồng được nhiều loại cây lương thực có giá trị như: lúa dự lùn, tám thơm, nếp cái hoa vàng, nếp thành tân…Những giống lúa này, nay trở thành giống lúa đặc sản có khả năng xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao. Cùng với cây lúa là các cây màu như ngô, khoai lang, đỗ, lạc,vừng, dưa hấu, dưa đò… Ngoài ra một số nơi trồng bông như: Hội Xuyên (Thị trấn), Thạch Khôi, Đồng Tái (Thống Kênh), Đông Hào (Quang Minh), Quỳnh Côi (Phạm Trấn). Ngày nay trên địa bàn toàn huyện đã trồng được rất nhiều loại cây rau, quả cho giá trị kinh tế cao như: Dưa hấu các loại, dưa chuột, bí xanh, hành, tỏi, ớt, su hào, bắp cải, súp lơ, cải các loại, cà rốt, khoai tây…Ngoài ra còn trồng được đào hoa, cây cảnh.
         Cùng với nghề trồng trọt, người dân Gia Lộc rất chú trọng đến phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nuôi lợn nái phát triển ở Thống Kênh, Hồng Hưng, nuôi trâu bò phát triển ở các xã trong huyện chủ yếu để làm sức kéo cho làm ruộng.

         Về thuỷ sản, tuy trước đây không được nhân dân chú ý đến, chủ yếu nhờ vào phát triển tự nhiên, nhưng tôm, cá rất nhiều ở các ao, đầm, sông, ngòi. Ngoài ra còn có cáy, cà ra, ruốc… ở những vùng nước lợ ven sông Đĩnh Đào. Nay nghề nuôi thuỷ sản đã phát triển ở khắp các địa phương, ngoài nuôi các loại cá, nhân dân còn nuôi các loại con thuỷ đặc sản như: ba ba, ếch, lươn, tôm… đem lại hiệu quả kinh tế cao.
         Về nghề thủ công truyền thống ở Gia Lộc cũng phát triển từ rất sớm, có những nghề nổi tiếng trong cả nước như: nghề khắc ván in sách rất khéo ở các làng Liễu tràng, Thanh Liễu và Khuê Liễu (xã Tân Hưng) do cụ Lương Như Hộc sáng lập truyền nghề từ thế kỷ XV.
         Nghề làm đồ da sơn nổi tiếng và rất phồn thịnh ở những làng Trúc Lâm, Phong Lâm và Văn Lâm (xã Hoàng Diệu), do cụ Nguyễn Thời Trung sáng lập, có từ thế kỷ thứ XVI. Ngày nay nghề da giầy vẫn được duy trì và phát triển; ở xã Hoàng Diệu có hàng trăm người thợ đóng giầy da mở xưởng ở khắp mọi nơi, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân.
          Ngoài ra còn có nghề rèn ở Đồng Quang, Thống Kênh, đẽo cầy ở Thị trấn Gia Lộc và gần đây đã phát hiện ra nghề gôm sứ ở Quang ánh ( Quang Tiền Đồng Quang)…
          Gia Lộc xưa không phải là huyện giàu. Trong một xã hội nông nghiệp, bên cạnh tính chất tự sản, tự tiêu, một phần sản phẩm đã trở thành hàng hoá. Kinh tế phát triển, chợ nông thôn cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Trên địa bàn huyện có hàng chục chợ, có các chợ lớn như chợ Cuối ở trung tâm huyện, chợ Bóng, chợ Rồng (khu Nam), chợ Phe, chợ Đồng Tái, chợ Cốc (khu Đông), chợ Buộm, chợ Ty, chợ Chuối (khu Tây), chợ Hui, chợ Tâng (khu Bắc). Như vậy, các trung tâm trao đổi kinh tế của huyện được rải đều một cách tự nhiên ở các khu vực, đã thu hút khách hàng trong và ngoài huyện. Chợ lớn nhất là chợ Cuối có từ thời Trần, nay được mở rộng và xây dựng to đẹp. Đến nay, trên địa bàn huyện có thêm chợ cá Thạch Khôi và đang xây dựng chợ đầu mối nông sản tại xã Gia Xuyên. Các chợ đang được từng bước nâng cấp phù hợp với sự phát triển văn minh thương mại.
          Cộng đồng người Gia Lộc, chủ yếu là người Kinh. Trước năm 1945, Phật giáo, Thiên chúa giáo là những tôn giáo chính thâm nhập vào đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Phật giáo thâm nhập vào Gia Lộc từ rất sớm, cách đây hàng nghìn năm, sau đó là Thiên chúa giáo. Phần lớn nhân dân có tục thờ cúng tổ tiên và theo đạo Phật. Số người theo Đạo Thiên chúa không nhiều, sống tập trung ở ba xứ là Ba Đông (Đồng Quang), Phú Tảo (Thạch Khôi), Côi Hạ (Phạm Trấn) và các họ lẻ ở Trần Nội, Trại Phú Thọ (Thạch Khôi), Hưng Long (Trùng Khánh), Thuỵ Lương (Hoàng Diệu), Ty (Thống Nhất). 
          Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, người dân Gia Lộc luôn luôn đoàn kết, gắn bó bên nhau chống giặc ngoại xâm, chinh phục thiên nhiên, vượt qua mọi khó khăn thử thách xây dựng quê hương.
          Đời sống văn hoá tinh thần của người dân Gia Lộc khá phong phú. Các gia đình sống đầm ấm trong cộng đồng làng xã.
Gia Lộc là nơi có nhiều đình, chùa, đến, miếu, nhà thờ có cảnh quan đẹp, nhiều công trình kiến trúc độc đáo, to đẹp là nơi để nhân dân thờ cúng, đình đám, hội hè. Cho đến nay, Gia Lộc đã có 22 công trình được Bộ Văn hoá - Thông tin và UBND Tỉnh xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá và lịch sử cách mạng là: Đến Quát (Yết Kiêu), khu di tích Nguyễn Chế Nghĩa, đình Phương Điếm (thị trấn Gia Lộc), đình Đồng Bào, đền Vàng (Gia Xuyên), đình An Tân, đình Lãng Xuyên, đình Phúc Tân (Gia Tân), chùa Dâu (Nhật Tân), đình Liễu Tràng (Tân Hưng), đình Đồng Tái, đình Đồng Đội (Thống Kênh), đình Quán Đào (Tân Tiến), đình Vo, Đền Đươi (Thống Nhất), đình Trình Xá (Gia Lương), miếu Thượng Cốc, đình Cao Dương (Gia Khánh), chùa Hậu Bổng , đình Hậu Bổng (Quang Minh), đình Bùi Hạ (Lê Lợi), miếu Lai Cầu (Hoàng Diệu), đình Phú Thọ (Thạch Khôi)… Đây là niềm vinh dự và tự hào của người dân Gia Lộc.

           Các di tích lịch sử văn hoá của huyện, mặc dù đã trải qua hàng trăm năm, bị thiên tai, giặc giã tàn phá, bị tiêu thổ trong kháng chiến chống Pháp, hoặc do những nhận thức chưa đầy đủ trong việc giữ gìn, tôn tạo đã làm mất đi nhiều di tích quý hiếm, nhưng những dấu ấn tốt đẹp vẫn được đọng lại, lưu truyền trong ký ức của người dân nơi đây.
          Đời sống văn hoá tinh thần của người dân Gia Lộc rất phong phú, đa dạng như: Bơi chải (Yết Kiêu), múa rối nước (Lê Lợi), vật, đánh pháo đất (Đức Xương), đánh thó (Phương Hưng, Thị trấn Gia Lộc),  hát tuồng (Gia Lương), hát đúm, hát ả đào, ca trù, hát chèo, các ca khúc cách mạng, nhiều câu lạc bộ thơ của người cao tuổi… Các địa phương hàng năm đều tổ chức lễ hội thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia.
          Người Gia Lộc không chỉ cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất mà còn nổi tiếng hiếu học, nhiều người đỗ đạt cao, là mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Chỉ tính từ thời nhà Trần đến nhà Nguyễn (1232 - 1919) cả huyện có 56 người đỗ đại khoa ( trong đó có 8 vị nay thuộc Đoàn Tùng, Đoàn Lâm, Tùng Xá huyện Thanh Miện) một số lượng mà ít huyện trong cả nước có được. Trong đó có 4 người đỗ ở hàng tam khôi, đó là: Trương Hanh (đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhất danh - tương đương trạng nguyên), Phạm Trấn (trạng nguyên), Đỗ Uông (bảng nhãn), Lương Như Hộc (thám hoa). Có 9 người giữ chức thượng thư. Đặc biệt có 2 xã có nhiều người đỗ đại khoa nhất là: Tân Hưng (7 vị), Phạm Trấn (6 vị), sau là các xã Gia Tân, Nhật Tân, Gia Khánh…
          Cùng với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, hiếu học, Gia Lộc còn có truyền thống chống giặc ngoại xâm, có nhiều danh tướng tài giỏi, tiêu biểu như danh tướng Yết Kiêu, Nguyễn Chế Nghĩa đã có công giúp nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông, Đỗ Quang trong những ngày đầu chống thực dân Pháp…góp phần quan trọng cùng nhân dân cả nước đánh thắng kẻ thù xâm lược.
          Cuối những năm 20 của thế kỷ XX, phong trào yêu nước của những người cộng sản đã lan tới Gia Lộc, nhiều đồng chí xuất thân từ quê hương Gia Lộc đã tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm như đồng chí Nguyễn Hới, đồng chí Lê Thanh Nghị. Năm 1929, đồng chí Nguyễn Hới đã về tuyên truyền, vận động và thành lập chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đầu tiên ở Thượng Cốc (Gia Khánh). Đồng chí Nguyễn Hới và đồng chí Lê Thanh Nghị đều trở thành những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước, các đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước. Đầu những năm 40, phong trào cách mạng phát triển khá mạnh, nhiều thanh niên có trình độ văn hoá đã tiếp thu, giác ngộ đi theo Việt Minh, theo Đảng vận động quần chúng đấu tranh giành chính quyền vào Tháng Tám năm 1945. Tháng 12- 1945 chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập, tiếp đó đến tháng 6- 1946 phát triển thành Đảng bộ, đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục tham gia xây dựng củng cố chính quyền và sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
         Trong sự nghiệp cách mạng to lớn của dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc đã có những đóng góp xứng đáng công sức và xương máu của mình. Toàn huyện có 3.695 liệt sĩ (trong đó chống Pháp có 1.113, chống Mỹ có 2.285, bảo vệ Tổ quốc có 297 người); 1.841 thương binh (trong đó chống Pháp có 397 người, chống Mỹ có 1.246 người, bảo vệ Tổ quốc có 198 người). Toàn huyện đã được Nhà nước phong tặng, truy tặng 143 bà mẹ Việt Nam anh hùng, tiêu biểu như mẹ Việt Nam anh hùng Trịnh Thị Nhài (Thạch Khôi) có 3 con và 1 cháu nội là liệt sĩ, 4 bà mẹ có 3 con là liệt sĩ, 1 bà mẹ có chồng và 2 con là liệt sĩ và có 10 bà mẹ có 2 con đều là liệt sĩ. Gia Lộc có 4 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (liệt sĩ Đặng Bá Hát xã Thống Kênh, đồng chí Phạm Văn Cờ xã Thống Nhất, liệt sĩ Phạm Thanh Bình xã Trùng Khánh, liệt sĩ Lê Gia Đỉnh xã Hoàng Diệu) và 3 anh hùng lao động (đồng chí Phạm Văn Tươi, Đặng Quang Thuần, Vũ Văn Đính). Xã Toàn Thắng, xã Nhật Tân, xã Tân Tiến, thị trấn Gia Lộc được phong tặng anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Xã Thạch Khôi được phong tặng danh hiệu anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Nhân dân và Đảng bộ huyện Gia Lộc được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Đó là niềm vinh dự và tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong huyện.
           Những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Gia Lộc đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như huân chương, huy chương trên nhiều lĩnh vực. Gia Lộc đã vinh dự được đón đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn, Đỗ Mười, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng Nguyễn Chí Thanh, phó thủ tướng - Phó chủ tịch HĐNN Lê Thanh Nghị, phó chủ tịch HĐBT Tố Hữu, Phạm Hùng, thường trực Bộ Chính trị Phạm Thế Duyệt, uỷ viên Bộ chính trị Vũ Oanh, uỷ viên Bộ chính trị - Bộ trưởng Bộ công an Trần Quốc Hoàn,  phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, bộ trưởng Nguyễn Thị Bình… và nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác về thăm.
           Hiện nay, Gia Lộc có hàng trăm người có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ, thạc sĩ, nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân, thầy thuốc ưu tú, nhiều sĩ quan cấp tướng, tá, nhiều người giữ cương vị chủ chốt, cấp cao trong các cơ quan Đảng và Nhà nước ở các cấp.


         
Quá trình đấu tranh không ngừng nhằm khắc phục những khó khăn về điều kiện thiên nhiên và chống sự áp bức, bóc lột của phong kiến, đế quốc đã nuôi dưỡng người dân Gia Lộc lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ý chí tự lực tự cường, đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo trong lao động, tính năng động trong hoạt động thực tiễn và khát vọng về cuộc sống độc lập tự do, hạnh phúc trên quê hương.
          Với lợi thế về điều kiện tự nhiên và thế mạnh về con người, từ khi có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, tiềm năng của huyện càng được phát huy, nhân dân đoàn kết sát cánh bên nhau đấu tranh bảo vệ và xây dựng vững chắc quê
hương, góp phần cùng cả nước bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, nhân dân và Đảng bộ Gia Lộc đang ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mọi người sống có kỷ cương, trọng tình, trọng nghĩa, đoàn kết, thuỷ chung cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đi lên.

Cung cấp thông tin cho Tân Tiến Online vui lòng gửi về nguoitantien@gmail.com 

 
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 

Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương

www.tantien.mov.mn

About this page ι Sitemap ι Contacts

Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge  

Tự tạo website với Webmienphi.vn