10-09-2015 23:42
''Trong quá trình học tập, sinh sống tại địa phương có hai làng nghề bún đó là làng nghề bún Đông Cận và làng nghề bún Tam Lương, thực trạng môi trường ở xã em nói chung và hai làng nghề nói riêng đang bị ô nhiễm do những mùi hôi, thối, chua… của các hộ gia đình làm bún thải ra. Em luôn tự đặt câu hỏi: Cứ như thế này thì chỉ thời gian sau môi trường của địa phương em sẽ ra sao? ''
Vấn đề này đã khiến cho bạn Phạm Lan Anh khi còn là học sinh lớp 9 trường THCS Tân Tiến rất trăn trở.Vào năm 2014 ,Lan Anh đã nghiên cứu , cho ra mô hình ''bộ xử lí nước thải'' và gửi bài tham dự tới Sản phẩm dự thi sáng tạo hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ IX (2014-2015).Bài viết này chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết về ý tưởng sáng tạo của Lan Anh.
TÊN SẢN PHẨM DỰ THI : Bộ xử lí lọc nước thải Bún từ làng nghề
BẢN MÔ TẢ
Sản phẩm dự thi sáng tạo hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ IX (2014-2015)
1. Thông tin về tác giả
- Họ và tên: Phạm Lan Anh
- Lớp: 9
- Trường: THCS Tân Tiến
- Huyện: Gia lộc
- Tỉnh: Hải Dương.
2. Tên mô hình sản phẩm: Bộ xử lí lọc nước thải Bún từ làng nghề
3. Lĩnh vực dự thi: Hóa học và môi trường
4. Ý tưởng của người dự thi:
Trong quá trình học tập, sinh sống tại địa phương có hai làng Nghề Bún đó là làng nghề bún Đông Cận và làng nghề bún Tam Lương, thực trạng môi trường ở xã em nói chung và hai làng nghề nói riêng đang bị ô nhiễm do những mùi hôi, thối, chua… của các hộ gia đình làm bún thải ra. Em luôn tự đặt câu hỏi: Cứ như thế này thì chỉ thời gian sau môi trường của địa phương em sẽ ra sao? Tại sao tất cả mọi người phải bó tay, chịu sống chung với những mùi đó mãi thế sao? Làm thế nào để xử lí được vấn đề đó đây? Đây là câu hỏi khiến em trăn trở. Khi em đến nhà các bạn cùng lớp chơi và chứng kiến nhiều hộ gia đình làm bún trong làng nghề, tình cờ em phát hiện ra là có rất nhiều hộ gia đình hiện nay có các bể lọc bỏ không, do trước đây họ dùng để lọc nước giếng khoan, nhưng nay đã không dùng đến do địa phương em đã có nước sạch từ 2 năm nay. Chợt nghĩ đến môi trường đang bị ô nhiễm, khiến em tò mò làm thử mô hình lọc nước thải từ bún dựa theo các bể lọc. Do là học sinh không có tiền và sợ người lớn không cho phép nên em đã quyết định làm thử lọc với dụng cụ chỉ bằng các cái thùng.Sau nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm với sự giúp đỡ nhiệt tình của các bạn và sự hướng dẫn của thầy cô giáo, dạy môn sinh học “Bộ xử lý lọc nước thải Bún từ làng nghề” đã ra đời.
Tuy có cấu tạo rất đơn giản nhưng tính năng của nó thì không đơn giản chút nào. Bởi chính nó đã giúp em hiểu được quy trình lọc nước thải từ làng nghề, vừa tận dụng được những dụng cụ dư thừa như bể chứa nước mưa, bể lọc nước giếng khoan trước đây, nay không dùng đến, tận dụng được các chất thải bột, cạn bã để làm phân bón, những nước được xử lí qua quy trình lọc được tận dụng làm nước tưới cây. Làm như vậy những nước thải không bị lưu cữu, thải ra đến đâu, lọc ngay đến đó sẽ không có cơ hội lên men, bốc mùi. Đặc biệt những vướng mắc và những câu hỏi lí thú đã được giải đáp, làm cho em có hứng thú học tập bộ môn sinh học và các bộ môn khoa học khác hơn.
Như vậy có thể nói, em đã biết cách vận dụng những kiến thức mà mình học được vào thực tiễn, giúp cho môi trường không bị ô nhiễm.
5. Tính mới, tính sáng tạo của sản phẩm.
Từ thực tế cho thấy môi trường ở địa phương em đang bị ô nhiễm, cũng nhiều hộ gia đình cũng đã đầu tư xây các bể Bi ô ga, song do lượng nước thải từ quy trình làm bún quá lớn và thường xuyên hàng ngày do vậy không bể nào chứa được, cộng với các hộ làm bún thường hay chăn lợn để tận dụng thức ăn dư thừa do vậy bể Bi ô ga cũng chỉ đủ phục vụ các chuồng lợn. Được sự giúp đỡ, động viên của thầy cô giáo và các bạn, em đã thành công với sản phẩm “Bộ xử lí lọc nước thải Bún từ làng nghề”. Sau khi chế tạo xong, sản phẩm của em đã được thầy cô giáo đánh giá cao. Mọi người đều nhận thấy, sản phẩm do em chế tạo tuy làm bằng những vật liệu đơn giản hay có thể tận dụng những đồ dùng như bể, bồn đựng nước không dùng đến hay có phải đầu tư mới mất tiền. Nhưng tác dụng và tính năng của nó vô cùng hữu ích, phục vụ thiết thực cuộc sống của chúng ta.
6. Các nguyên vật liệu làm ra sản phẩm
- 3 bể hoặc bồn chứa nước.
- 1 tấm lưới chắn cặn bã của nước thải bún của bể chứa lọc lần 1; 2 tấm bọt biển ( hoặc đệm mút) để ngăn các lớp lọc của bể 2
- 1 đến 2 cây nhựa F 34 tùy theo gia đình.
- 50kg than hoạt tính + cát đen + cát vàng.
* Tổng số tiền nguyên vật liệu nếu phải mua hoặc xây mới khoảng: 9.000.000đ
7. Cách lắp ráp, lắp đặt sản phẩm.
- Bước 1: Xây hoặc tận dụng một bể như hình mô phỏng có dùng lưới lọc.
Sản phẩm thu nhỏ có thể mô tả qua ảnh như sau:
Bể 1: Bể lắng lọc thô chứa nước thải
- Bước 2: Xây hoặc tận dụng một bể lọc nước giếng khoan nếu có để chứa các than hoạt tính, cát… để lọc.
Sản phẩm thu nhỏ có thể mô tả qua ảnh như sau:
Bể 2: Bể lọc chính
- Bước 3: Xây, tận dụng các dụng cụ hoặc ống để dẫn nước thải sau khi nước bún đã được lọc dùng để tưới cây, hay thải ra môi trường.
Sản phẩm thu nhỏ có thể mô tả qua ảnh như sau:
Bể 3: Bể chứa nước sạch đã được lọc qua hệ thống
8. Nguyên tắc hoạt động Bộ xử lí lọc nước thải Bún từ làng nghề.
- Từ thực tế cho thấy mỗi hộ gia đình ở làng nghề Bún muốn làm hết 100 kg bột gạo thành Bún phải xả ra môi trường trung bình 1 khối nước. Do vậy nước thải này từ quy trình ban đầu được xả vào bể 1 có lưới lọc để chắn các bọt, cấn gạo, sợi bún vụn. Các cặn bã này các hộ gia đình có thể thu gom làm thức ăn chăn lợn, ủ làm phân bón…, nước sẽ qua tấm lọc qua đường ống xuống bể thứ 2.
- Ở bể thứ 2 đáy bể có làm các lỗ nhỏ dạng mắt sàng, trên đó đổ 1 lớp than hoạt tính tiếp theo là lớp cát đen, trên cùng có lớp cát vàng để lọc.
- Qua quá trình lọc tại bể thứ 2 nước cơ bản được lọc các cặn bã bẩn, nước gần như ở trạng thái ban đầu dùng để tưới cây, thải ra môi trường an toàn.
9. Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo
(Đã được trình bày ở phần 7)
10. Khả năng áp dụng và hiệu quả đạt được.
- Bộ xử lí lọc nước thải Bún từ làng nghề có thể xử dụng được ở tất cả các hộ gia đình làm bún nói chung và các hộ thải nước sinh hoạt nói riêng. Bởi lẽ theo em hiện nay nước thải ra môi trường ở các hộ gia đình là rất lớn. Đặc biệt qua theo dõi em thấy lọc nước không phải là quá xa lạ mà trước đây có nhiều hộ gia đình cũng đã dùng bể lọc để lọc nước giếng khoan, giếng khơi…Nhưng nay có nước sạch các hộ gia đình đã lãng quên, thậm chí bỏ đi. Đặc biệt nếu mô hình này được áp dụng vào lọc nước thải từ bún thì môi trường sẽ được bảo vệ và tiết kiệm nước sạch tốt biết bao.
LỜI KẾT
Kính thưa các thầy, các cô trong ban tổ chức, Ban Giám khảo hội thi! Trên đây là phần giới thiệu của em về sản phẩm “Bộ xử lí lọc nước thải Bún từ làng nghề” do em quan sát, tận dụng các sản phẩm dư thừa như bể lọc, các dụng cụ …. Sản phẩm tuy đơn giản nhưng nó rất thiết thực phục vụ cuộc sống của con người chúng ta trong thực tế. Em thiết nghĩ một gia đình sử dụng không hiệu quả nhưng vận động nhiều gia đình cùng sử dụng thì môi trường làng nghề Bún của chúng em sẽ không còn những mùi chua, thối …và sẽ tốt đẹp biết bao. Một lần nữa, em xin trân trọng cảm ơn Ban tổ chức cuộc thi, cảm ơn nhà trường, các thầy cô đã động viên, hướng dẫn em đăng kí dự thi; tư vấn giúp đỡ để giúp em hoàn thành sản phẩm này. Cũng qua cuộc thi, em có cơ hội để thể hiện khả năng của mình và để giao lưu học hỏi. Em xin gửi tới các thầy cô trong Ban tổ chức, Ban Giám khảo lời chúc tốt đẹp nhất, mong các thầy, cô tiếp tục tạo ra những sân chơi trí tuệ bổ ích để chúng em có nhiều cơ hội được phát triển tư duy, trải nghiệm sáng tạo.
Em xin trân trọng cảm ơn !
Tân Tiến, ngày 25 tháng 10 năm 2014
Người viết
Phạm Lan Anh
Người gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
Tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh xã Tân Tiến lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2017-2022 |
CÁC BÀI CŨ HƠN
Tân Tiến Online - Trang trực tuyến về xã Tân Tiến-huyện Gia Lộc-tỉnh Hải Dương About this page ι Sitemap ι Contacts Trang này hiển thị tốt nhất trên trình duyệt Microsoft Edge |